Phân bón Lâm Thao báo lãi tăng trưởng, tiền gửi ngân hàng gấp 5 lần

Admin

Nửa đầu năm 2023, Phân bón Lâm Thao đạt 2.080 tỷ đồng doanh thu và 65,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 14% và 13% so với cùng kỳ năm 2022.

Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (HNX: LAS) vừa công bố báo cáo tài chính tổng hợp quý II/2023 với doanh thu thuần đạt 867,7 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, giá vốn bán hàng tăng 11% nên lợi nhuận gộp kỳ này tăng 21% lên 125,7 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 13,3% lên 14,5%. Doanh thu hoạt động tài chính tăng nhẹ từ 2,9 tỷ đồng lên hơn 3 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 15% lên 4,5 tỷ đồng, trong đó có hơn 3 tỷ đồng là chi phí lãi vay.

Chi phí bán hàng tăng 20,6% lên gần 38 tỷ đồng; chi phí quản lý tăng 25% lên gần 47 tỷ đồng; lợi nhuận khác kỳ này tăng 157% lên 1,2 tỷ đồng. Trừ các chi phí, quý II/2022 công ty báo lãi 32,3 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của Phân bón Lâm Thao đạt 2.080 tỷ đồng, tăng 14%; lợi nhuận sau thuế đạt 65,5 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của công ty đạt 2.048 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Trong đó tiền và các khoản tương đương tiền giảm 50% xuống 22,8 tỷ đồng; khoản tiền gửi ngân hàng tăng gấp 5,8 lần lên 375 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm 48,2% xuống 638,4 tỷ đồng.

Công ty có 714,5 tỷ đồng nợ phải trả, giảm 23% so với đầu năm, trong đó toàn bộ là nợ ngắn hạn. Trong cơ cấu nợ, phải trả người bán ngắn hạn giảm 24% xuống 211,7 tỷ đồng; vay nợ ngắn hạn giảm 64% xuống 175,6  tỷ đồng.

Thời điểm cuối tháng 6/2023, vốn chủ sở hữu của Supe Lâm Thao là 1.333 tỷ đồng với vốn góp là 1.128 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển là 110 tỷ đồng và có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 80 tỷ đồng.

Kể từ đầu năm 2023 đến nay, giá phân bón đi ngang hoặc giảm nhẹ sau khi đã giảm khá nhiều trong năm 2022. Nguyên nhân giá phân bón giảm do các yếu tố ảnh hưởng trước đó tác động lên chuỗi cung ứng đã từng bước mất đi hoặc dịu bớt.

Chứng khoán Bảo Việt dự báo nhu cầu tiêu thụ phân bón sẽ phục hồi nhưng vẫn không bù đắp được mức sụt giảm giá phân bón. Theo đó, nhu cầu phân bón thế giới được IFA ước tính đạt 195,8 nghìn tấn, phục hồi 1,5% từ mức thấp trong năm 2022.

Trong đó, nhu cầu Ure toàn cầu dự kiến sẽ tăng khoảng 1,7%; nhu cầu DAP tăng từ 4-7% so với năm trước nhờ giá nông sản chính thế giới được dự báo vẫn ở mức cao do đó hỗ trợ khả năng chi trả cho phân bón, thúc đẩy thêm nhu cầu tiêu thụ phân bón nhất là ở các nước trong khu vực Bắc và Nam Mỹ - nơi có nhu cầu sản xuất đậu tương và ngô.

Đối với nhu cầu trong nước, Chứng khoán Bảo Việt dự báo tăng 20%YoY, đạt mức hơn 10 triệu tấn/năm trong 2023 nhờ nông sản được đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là khi Trung Quốc mở cửa trở lại, điều này khuyến khích nông dân trong nước tái đầu tư sản xuất, qua đó giảm bớt áp lực tồn kho.

Còn theo SSI Research, nhu cầu urê có thể vẫn yếu trong suốt cả năm 2023 do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự điều chỉnh giá của các mặt hàng nông sản. Hiện tượng El Nino sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động trồng trọt ở Đông Nam Á, Australia và Nam Phi. Theo đó, nhu cầu có thể vẫn yếu trong các quý còn lại của năm 2023.

Giá nguyên liệu giảm và các nước châu Âu đã tìm được sản phẩm thay thế dầu/khí của Nga, mối lo ngại về tình trạng thiếu urê cũng giảm bớt, do đó châu Âu có thể không cần nhập khẩu nhiều urê như trước. Tiềm năng xuất khẩu urê của các nước xuất khẩu urê trong đó có Việt Nam có thể giảm sút.

Ngoài ra, urê Trung Quốc cạnh tranh hơn về giá nên việc khôi phục xuất khẩu urê của nước này càng gây khó khăn hơn cho các công ty sản xuất urê của Việt Nam trong việc xuất khẩu.