Bộ Ngoại giao Nigeria do quân đội bổ nhiệm giải thích cho quyết định nói trên rằng Đại sứ Sylvain Itte không đáp lại lời mời họp của họ và chính phủ Pháp có nhiều hành động đi ngược lại lợi ích của Niger.
Theo Reuters, những tuyên bố được chia sẻ rộng rãi trên mạng cũng cho thấy Niger ra lệnh cho đại sứ Mỹ và đại sứ Đức rời khỏi nước này với những lý do tương tự.
Những người ủng hộ chính quyền Niger tham gia một cuộc biểu tình trước một căn cứ quân sự của Pháp ở Niamey. Ảnh: Reuters
Việc trục xuất đại sứ Pháp diễn ra một tháng sau khi quân đội do ông Abdourahamane Tchiani chỉ huy lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum.
Pháp đã kêu gọi chính quyền quân sự phục chức cho Tổng thống Mohamed Bazoum và cho biết sẽ hỗ trợ nỗ lực của Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) nhằm lật ngược cuộc đảo chính.
Đầu tuần này, tướng Tchiani đã đưa ra đề xuất đưa Niger trở lại chế độ dân sự trong vòng "không quá 3 năm" nhưng cảnh báo các nước láng giềng và Pháp không can thiệp vào công việc nội bộ của Niger.
11 thành viên của Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã trừng phạt Niger và đe dọa can thiệp quân sự để "khôi phục nền dân chủ".
Guinea từ chối tuân theo các biện pháp trừng phạt trong khi nước láng giềng Mali và Burkina Faso cho biết họ sẽ xem hành động can thiệp như vậy là cuộc chiến chống lại họ. Hôm 24-8, Niger đã ủy quyền cho hai nước láng giềng đến bảo vệ họ nếu ECOWAS can thiệp quân sự.
Tuyên bố chung của bộ ngoại giao các nước nói trên cho biết: "3 nước đã đồng ý tạo điều kiện để hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề quốc phòng và an ninh trong trường hợp xảy ra hành động can thiệp quân sự hoặc tấn công khủng bố".
Ông Omar Alieu Touray, Chủ tịch Ủy ban ECOWAS, nói với hãng tin AP rằng các lệnh trừng phạt đã dẫn đến "cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội nghiêm trọng" nhưng đây là điều buộc phải làm "vì lợi ích của người dân Niger".
ECOWAS đã nhiều lần công bố kế hoạch can thiệp quân sự, đồng thời tiếp tục cử phái đoàn ngoại giao tới Niamey.