Thủ tướng Đứu Olaf Scholz gặp Tổng thống Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh NATO.
Ukraine đã nỗ lực vận động hành lang nhằm hối thúc NATO đưa ra tuyên bố chung với cam kết rõ ràng về việc kết nạp đồng minh. Nhưng có một quốc gia "nói một đằng làm một nẻo" khiến Kiev bất ngờ, báo Mỹ Newsweek hôm 23/7 dẫn nguồn tin trong chính phủ Ukraine cho biết.
Các nhà lãnh đạo NATO ca ngợi hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong hai ngày 11 -12/7 là một bước ngoặt nhằm đối phó Nga và đánh dấu bước tiến quan trọng đối với Ukraine.
Nhưng trên thực tế, tuyên bố chung của NATO năm nay không khác biệt lớn so với tuyên bố chung năm 2008, nghĩa là vẫn còn khoảng cách ngăn Ukraine có thể gia nhập NATO.
"Chúng tôi không nghĩ rằng đó là một kết quả thuyết phục, rằng chúng tôi đang xích lại gần hơn với NATO so với trước khi hội nghị diễn ra", một quan chức giấu tên trong chính phủ Ukraine nói với báo Mỹ.
"Chúng tôi đã yêu cầu rõ ràng về một cam kết sẽ kết nạp Ukraine, rằng bất cứ sự hỗ trợ nào cũng không thể thay thế việc Ukraine có tư cách thành viên NATO", quan chức giấu tên tiết lộ về nỗ lực vận động hành lang trước khi hội nghị diễn ra.
Khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Oalf Scholz đều thể hiện sự tán thành và đây có lẽ đã là một thắng lợi với Ukraine.
"Sau này, chúng tôi phát hiện ra rằng chính là Đức đã hối thúc Mỹ cũng như Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng để không tán thành tuyên bố với quan điểm như vậy. Ngay cả khi họ nói với Ukraine là không vấn đề gì", quan chức giấu tên tiết lộ.
Trả lời trên báo Mỹ Newsweek, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức nói chính phủ "không bình luận về các cuộc trao đổi và đàm phán bí mật".
"Tuyên bố chung tại hội nghị NATO đã thể hiện rõ ràng quan điểm của tất cả các nước thành viên trong liên minh", Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh.
Theo Newsweek, trước hội nghị thượng đỉnh, Mỹ và Đức thực tế đã nói bóng gió về việc không muốn tạo thêm rủi ro giữa NATO và Nga trong vấn đề Ukraine. Nhưng các nhà lãnh đạo Mỹ và Đức cũng đã khẳng định sẽ "không để Ukraine thất vọng về kết quả". Thực tế là Tổng thống Ukraine đã bày tỏ sự thất vọng về việc NATO đưa ra tuyên bố chung khác với những gì Ukraine được biết.
"Tuyên bố chung của NATO nhìn chung yếu hơn so với những gì được thảo luận phía sau hậu trường", quan chức Ukraine giấu tên nói. "Thông điệp kiểu lộn xộn, không lắng nghe quan điểm từ phía chúng tôi, đặt ra câu hỏi rằng liệu có ai đó đang bí mật thỏa thuận với Nga hay không".
Nhưng theo các chuyên gia, Đức không thể nói không muốn đưa ra cam kết về việc NATO kết nạp Ukraine nếu Nhà Trắng nói "có".
"Tôi nghĩ là Mỹ và Đức đã có sự phối hợp và chia sẻ quan điểm chung. Nếu Mỹ nói có thì Đức chắc chắn cũng không phản đối", Oleksiy Goncharenko, một thành viên Quốc hội Ukraine, người cũng tham gia hội nghị thượng đỉnh NATO, nói.
Đăng Nguyễn - Newsweek