Các binh sĩ ở Niger cho biết họ đã phế truất Tổng thống Mohamed Bazoum sau khi quân đội vũ trang phong tỏa dinh tổng thống ở thủ đô Niamey.
“Chúng tôi, lực lượng quốc phòng và an ninh, đã quyết định chấm dứt chế độ của Tổng thống Bazoum”, Đại tá Amadou Abdramane cho biết trên đài truyền hình quốc gia của quốc gia Tây Phi vào cuối ngày 26/7, viện dẫn tình hình an ninh đang xấu đi và sự quản lý kinh tế - xã hội yếu kém ở nước này.
Vây quanh ông Abdramane là 9 sĩ quan khác với gương mặt mệt mỏi, trong đó có phó tham mưu trưởng quân đội, các thành viên cấp cao của lực lượng cận vệ quốc gia và Tổng thống. Đại tá Abdramane cho biết, những người lãnh đạo cuộc đảo chính sẽ bảo vệ sự an toàn của ông Bazoum.
“Tất cả các tổ chức trong nước sẽ bị đình chỉ, biên giới bị đóng cửa và lệnh giới nghiêm đã được áp dụng cho đến khi có thông báo mới”, nhóm này tuyên bố.
Một nguồn tin của ông Bazoum cho biết, các thành viên bất mãn của Lực lượng Bảo vệ Tổng thống tinh nhuệ đã phong tỏa lối vào dinh thự và văn phòng của Tổng thống ở Niamey và từ chối trả tự do cho ông sau khi các cuộc đàm phán thất bại.
Những người ủng hộ Tổng thống Bazoum đã cố gắng tiếp cận khu phức hợp nơi ông bị giam giữ, nhưng đã bị giải tán sau khi các thành viên của Lực lượng Bảo vệ Tổng thống đã nổ súng cảnh cáo, một phóng viên của AFP cho biết. Tài khoản Twitter chính thức của Tổng thống cho biết, ông và gia đình vẫn ổn.
Đầu ngày 26/7, hàng trăm người đã biểu tình bên ngoài Quốc hội để yêu cầu thả Tổng thống. Tuy nhiên, ngay sau đó, người ta nghe thấy nhiều tiếng súng phát ra từ cung điện. Các phóng viên cho biết, lực lượng bảo vệ tổng thống đã tìm cách giải tán những người biểu tình.
Hiện vẫn chưa rõ tại sao lại xảy ra cuộc nổi dậy, nhưng các nhà phân tích cho biết, chi phí sinh hoạt tăng cao và nhận thức về sự kém cỏi và tham nhũng của chính phủ Niger có thể là nguyên nhân khiến các binh sĩ hành động.
Tháng 3/2021, một âm mưu đảo chính ở Niger đã bị lật đổ khi một đơn vị quân đội cố gắng chiếm dinh tổng thống vài ngày trước khi ông Bazoum lúc đó vừa đắc cử và tuyên thệ nhậm chức.
Cuộc đảo chính mới đây là cuộc đảo chính thứ sáu ở Tây Phi kể từ năm 2020, sau các cuộc đảo chính quân sự trước đó ở Burkina Faso, Guinea và Mali. Vụ việc này có thể làm phức tạp thêm những nỗ lực của phương Tây nhằm giúp các nước trong khu vực chống lại cuộc nổi dậy lan rộng từ Mali trong thập kỷ qua.
Liên Hợp Quốc đã lên án âm mưu đảo chính và các nỗ lực giành chính quyền bằng vũ lực ở Niger. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và đảm bảo trật tự hiến pháp được bảo vệ, phát ngôn viên Stephane Dujarric cho biết.
Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cũng lên tiếng lên án những nỗ lực nhằm giam giữ hoặc phá hoại hoạt động của chính phủ được bầu cử dân chủ của Niger, đồng thời kêu gọi trả tự do cho ông Bazoum.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với tổng thống Niger và cho biết họ đang liên lạc với đại sứ quán Mỹ ở Niamey. Bộ này cho biết, họ “quan ngại sâu sắc về những diễn biến ở Niger”.
Nguyễn Tuyết (Theo NY Times, France 24, Al Jazeera)