Trong 17 tháng kể từ khi Moscow đưa quân vào lãnh thổ Ukraine, các quốc gia trên khắp châu Âu đã hành động với tốc độ nhanh “đáng kinh ngạc” để giảm sự phụ thuộc lâu dài vào khí đốt giá rẻ của Nga.
Đức, quốc gia nhận 55% nguồn cung từ Nga trước xung đột ở Ukraine, hiện nhập khẩu bằng 0. Ba Lan, Bulgaria và Cộng hòa Séc đã tạm dừng hoặc sắp dừng các dòng chảy khí đốt. Và Italy đã liên tục cắt giảm nhập khẩu và cam kết sẽ thoát khỏi khí đốt Nga vào cuối năm nay.
Ngược lại, Áo, một quốc gia trung lập thuộc Liên minh châu Âu (EU) nhận được gần 80% lượng khí đốt từ Nga trước cuộc chiến, vẫn nhận được hơn 50% tổng lượng khí đốt từ Nga vào tháng 5. Và vào tháng 3, khi nhu cầu cao hơn, con số này lên tới 74%.
Việc cắt đứt ngay lập tức khí đốt Nga sẽ dẫn đến sự hủy hoại kinh tế và thất nghiệp hàng loạt, Thủ tướng Áo Karl Nehammer đã cảnh báo vào năm ngoái.
Chừng nào Nga còn bán khí đốt, Áo sẽ còn mua, CEO của công ty năng lượng Áo OMV Group cho biết hồi tháng 7. Kể từ cuối tháng 2 năm ngoái, sau khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu, OMV đã chi khoảng 7 tỷ euro (7,7 tỷ USD) để mua khí đốt Nga.
Công ty này cũng là một bên hỗ trợ tài chính cho dự án đường ống Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2) vận chuyển khí đốt Nga qua Biển Baltic tới Đức.
Không dễ sửa sai
Những khó khăn của chính phủ Áo trong việc từ bỏ khí đốt của Nga – điều mà họ đã cam kết thực hiện, đã khiến các nhà phê bình phàn nàn rằng các khoản thanh toán khí đốt của Áo đang giúp tài trợ cho “hòm chiến tranh” của Moscow.
“Tôi không nghĩ những gì họ đã làm là đủ”, bà Anne-Sophie Corbeau, một học giả nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu tại Trường Quan hệ Công chúng và Quốc tế của Đại học Columbia, cho biết.
Áo, quốc gia Trung Âu đầu tiên ký hợp đồng khí đốt với Liên Xô vào năm 1968, trong nhiều thập kỷ đã phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt từ Nga.
Một lý do chính mà EU đã không “mạnh tay” khởi xướng bất kỳ biện pháp trừng phạt chính thức nào đối với việc nhập khẩu khí đốt từ Nga, giống như đã làm đối với dầu và than Nga, là Áo và những khách hàng lớn khác của khí đốt Nga đã lập luận rằng họ cần nó.
Và một số quốc gia châu Âu vẫn là khách hàng mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, được vận chuyển bằng tàu biển, mặc dù tổng lượng cung LNG hiện nay chỉ chiếm một phần nhỏ so với lượng từng đến lục địa này bằng đường ống.
“Không dễ dàng để xóa bỏ những chính sách sai lầm kéo dài hàng năm, hàng thập kỷ chỉ trong vài tháng hay trong một năm”, bà Leonore Gewessler, Bộ trưởng Năng lượng Áo và là thành viên của Đảng Xanh trong liên minh cầm quyền ở Áo, cho biết.
Là một quốc gia không giáp biển, Áo – không giống như Đức, Italy hay Hy Lạp – không thể xây dựng các bến cảng tiếp nhận tàu chở LNG. Tuy nhiên, chính phủ của quốc gia vùng núi Alps vẫn cam kết chấm dứt nhập khẩu khí đốt Nga vào năm 2027.
Suy thoái cận kề
Nước Áo nói riêng và EU nói chung đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng vào năm ngoái do giá năng lượng tăng mạnh và hậu quả kinh tế từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Mặc dù tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2022, nền kinh tế Áo dự kiến sẽ chậm lại đáng kể do giá năng lượng bán lẻ vẫn ở mức cao, chi phí lao động tăng và tăng trưởng xuất khẩu yếu.
Tuần trước, Liên đoàn Công nghiệp Áo (IV) cảnh báo rằng các doanh nghiệp của quốc gia vùng Alps nên chuẩn bị cho một cuộc suy thoái trong năm nay và không nên mong đợi tăng trưởng kinh tế cho đến mùa xuân năm sau.
Phát biểu tại một cuộc họp báo cuối tháng 7, Tổng thư ký IV Christoph Neumayer cảnh báo rằng, “từ quan điểm kinh tế vĩ mô, các dấu hiệu cho đến nay cho thấy một giai đoạn trì trệ kinh tế kéo dài”. Các ngành công nghiệp nên chuẩn bị tinh thần cho một cuộc suy thoái từ tháng 10 năm nay đến tháng 3 năm sau, ông Neumayer nói, theo hãng tin OTS của Áo.
Ông Neumayer cũng đề xuất thực hiện các biện pháp có mục tiêu để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân, tương tự như các bước mà chính phủ Áo đã thực hiện trong đại dịch Covid-19.
Nhà kinh tế trưởng của IV, ông Christian Helmenstein, cho biết thêm rằng tất cả các chỉ số kinh tế hiện đang có vẻ ảm đạm, đồng thời cảnh báo rằng tình hình sẽ xấu đi trước khi phục hồi trở lại vào mùa xuân tới.
Các bình luận được đưa ra khi IV trình bày kết quả của một cuộc khảo sát được thực hiện với hơn 430 công ty ở Áo, cho thấy quan điểm của họ về môi trường hiện tại và kỳ vọng tương lai.
Minh Đức (Theo NY Times, RT)