Quyết định cho ra đời tuyến bus điện đầu tiên và những tính toán của VinBus

Admin

VinBus là xe buýt điện đầu tiên do Việt Nam sản xuất, cũng là mẫu xe điện đầu tiên được cấp phép cung cấp dịch vụ vận tải công cộng.

300 chiếc xe buýt điện và dấu mốc đầu tiên của hành trình xanh hóa giao thông công cộng

Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải VinBus (Vinbus)- công ty phi lợi nhuận trực thuộc Vingroup đang vận hành 300 chiếc xe buýt điện tại Hà Nội, TP.HCM và Phú Quốc, Hải Phòng và mới đây là Nha Trang với công nghệ hiện đại, không khói bụi, không phát thải nhằm góp phần giảm ô nhiễm môi trường, mang lại bầu không khí trong lành cho Thành phố.

Số xe VinBus đang vận hành là rất nhỏ so với tổng số hơn 5.000 chiếc xe buýt đang hoạt động tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng nhưng đánh dấu mốc là chiếc xe buýt điện đầu tiên do Việt Nam sản xuất và là xe điện đầu tiên được cấp phép cung cấp dịch vụ vận tải công cộng.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của xe buýt điện cũng đánh dấu thời điểm Việt Nam chuyển dịch đưa phương tiện giao thông công cộng sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang điện.

Quyết định cho ra đời tuyến bus điện đầu tiên và những tính toán của VinBus- Ảnh 1.

Vinbus đang vận hành 300 chiếc xe buýt điện tại các thành phố lớn.

“Hơn 90 triệu lượt hành khách được vận chuyển và góp giảm phát thải 39 nghìn tấn CO2 tương đương trồng hơn 1,8 triệu cây xanh tại đô thị là một trong những gì VinBus đang làm được sau 3 năm kể từ khi tuyến xe buýt điện đầu tiên lăn bánh tại Hà Nội cuối năm 2021”- Tổng Giám đốc VinBus Nguyễn Công Nhật cho biết tại Hội thảo “Xe buýt xanh - Hành trình của tương lai” tại Hà Nội.

VinBus được đa số người dùng đánh giá cao, cho điểm 9,6/10, theo một khảo sát nội bộ được thực hiện năm 2022. Tỉ lệ sử dụng mỗi chuyến VinBus đã lên tới 38% – 48%, tương đương hiệu suất sử dụng hệ thống xe buýt công cộng khác dù chi phí tiếp thị gần như 0 đồng.

Trên những chuyến xe buýt điện là nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Trong đó, 80-85% người đi lại bằng vé tháng thường xuyên của VinBus là công chức viên chức, người làm văn phòng – nhóm mà trước đây ít khi di chuyển bằng xe buýt chỉ với 25-30%.

“Chúng tôi cho rằng khi phương tiện công cộng đáp ứng được tiêu chí về chất lượng dịch vụ thì dần dần sẽ thu hút được đối tượng khách hàng như dân công sở, những người đi làm hàng ngày”, ông Nguyễn Công Nhật – Tổng Giám đốc VinBus chia sẻ.

Quyết định cho ra đời tuyến bus điện đầu tiên và những tính toán của VinBus- Ảnh 2.

Xe buýt điện đón 90 triệu lượt hành khách sau 3 năm vận hành.

“Qua theo dõi, đánh giá, các tuyến xe buýt điện vận hành gần 3 năm qua cho thấy hiệu quả toàn diện. Về mặt kinh tế, việc đưa các tuyến xe buýt điện được nhân dân, hành khách đồng tình ủng hộ. Vào những khung giờ cao điểm, hệ số sức chứa vượt quá 100%. Chất lượng dịch vụ của xe buýt điện hoàn thiện hơn so với xe buýt thông thường”, ông Trần Đình Tiến Trưởng phòng Kế hoạch vận hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội, cho biết.

Tuyến buýt điện đầu tiên phục vụ mục tiêu công ích ra đời

Nói về quyết định cho ra đời tuyến buýt điện đầu tiên và những tính toán khoa học đã khiến Vingroup đưa ra quyết định thành lập VinBus, ông Nguyễn Công Nhật – Tổng Giám đốc VinBus chia sẻ, sự bức bối của ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, biến đổi khí hậu và vấn nạn ô nhiễm môi trường làm giảm chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người dân.

Net Zero do đó không còn là khẩu hiệu hô hào nữa mà là vấn đề cấp thiết phải giải quyết ngay. Tại COP26, Việt Nam cũng đã cam kết với cộng đồng quốc tế về mục tiêu đạt phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

“Vingroup là một doanh nghiệp với sứ mệnh “Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người” nên chúng tôi tự thấy cần có trách nhiệm tham gia hưởng ứng mục tiêu của Chính phủ. Đặc biệt, Vingroup cũng có khả năng triển khai khi sở hữu nhà máy sản xuất ô tô hiện đại VinFast và có thể tự sản xuất xe buýt điện. VinBus đã ra đời vì sứ mệnh phụng sự như vậy.

Còn việc để VinBus đi vào cuộc sống, đáp ứng tốt nhu cầu nhân dân mà vẫn hài hoà các bên tất nhiên cần có những tính toán và cân nhắc kỹ càng cẩn thận để tối ưu cơ sở hạ tầng đang có”, vị Tổng giám đốc chia sẻ.

Quyết định cho ra đời tuyến bus điện đầu tiên và những tính toán của VinBus- Ảnh 3.

Hiện tại Hà Nôi đang có khoảng 200 xe điện Vinbus hoạt động.

Ông Nhật cho biết, ở những ngày đầu tiên vận hành, khó khăn và trở ngại mà VinBus gặp, đó là việc nhiều người dân vẫn còn nhiều định kiến với xe buýt. Bên cạnh đó, do buýt điện chưa từng hoạt động nên chưa có chính sách cho loại hình này, từ tiêu chuẩn phương tiện cho đến hệ thống hạ tầng trạm sạc.

“Thực tế, các tuyến xe buýt điện được triển khai từ năm 2019, nhưng do đại dịch Covid-19 nên từ 2021 mới đi vào hoạt động. Một trong những trở ngại lớn là do loại hình này lần đầu hoạt động tại Việt Nam, thành phố đã có chính sách trợ giá cho người dân sử dụng xe buýt truyền thống, nhưng với xe buýt điện thì tất cả mọi thứ đều bắt đầu từ con số 0 nên vào thời điểm đó, rất khó thu hút người dân tham gia buýt điện.

Tập đoàn Vingroup đã xây dựng Đề án phát triển xe buýt điện tại TP HN và TP HCM, báo cáo Chính phủ xin cơ chế triển khai thí điểm trong 2 năm để các cơ quan quản lý nhà nước thu thập dữ liệu, xây dựng hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá cho xe buýt điện.

Bên cạnh đó, kiến thức, kinh nghiệm về xe buýt điện cũng là một rào cản do công nghệ và phương án tổ chức vận hành xe buýt điện có những điểm khác biệt so với xe buýt truyền thống sử dụng nhiên liệu diesel. Chúng tôi đã phải trực tiếp đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài để tổ chức hệ thống vận hành của VinBus.

Đến giờ phút này, hệ thống đã hoạt động rất trơn tru về cả quy trình vận hành và con người", ông Nguyễn Công Nhật chia sẻ.

Quyết định cho ra đời tuyến bus điện đầu tiên và những tính toán của VinBus- Ảnh 4.

Hệ thống trạm sạc của Vinbus.

Thực tế hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có tới hơn 2.000 xe buýt được trợ giá đang hoạt động, nhưng chỉ có 277 xe sử dụng năng lượng sạch, bao gồm 139 xe sử dụng khí hóa lỏng (CNG) và 138 xe buýt điện. Số lượng xe buýt sử dụng năng lượng sạch đạt tỷ lệ 13,6% tổng số xe toàn mạng lưới xe buýt. Ngoài ra, trong số xe buýt đang vận hành có hơn 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên. Còn lại 1.575 phương tiện đang sử dụng nhiên liệu dầu diesel cần thay thế.

Lợi ích của phương tiện xanh, sạch đã rõ và là xu hướng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chi phí đầu tư phương tiện năng lượng điện, năng lượng xanh cao gấp 2-4 lần so với xe buýt diesel, đang là những khó khăn, thách thức lớn với doanh nghiệp. Cùng với đó là các vấn đề về hạ tầng, trạm sạc…

Theo ông Nguyễn Công Nhật, chi phí đầu tư ban đầu cho xe buýt điện cao, nhưng chi phí khai thác, vận hành, bảo trì... lại giảm hơn nhiều so với phương tiện sử dụng dầu diesel.

“Ngoài yếu tố về tài chính, xe buýt điện còn có lợi cho môi trường, sức khỏe con người. Đây là điều cần được đặt lên bàn cân khi chúng ta chuyển sang xe buýt điện”, vị Tổng giám đốc nhấn mạnh.

Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi các tuyến xe buýt từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng điện, theo ông Nguyễn Công Nhật, rất cần Nhà nước có những cơ chế mạnh mẽ để khuyến khích, tạo động lực cho các doanh nghiệp chuyển đổi như: sớm xây dựng, ban hành định mức cho xe buýt điện (đầy đủ các loại xe lớn, trung bình, nhỏ); cơ chế hỗ trợ lãi vay đầu tư phương tiện, cơ sở hạ tầng trạm sạc; ưu tiên tham gia thị trường đối với những doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư, chuyển đổi xe điện sớm…