Vụ tai nạn xảy ra ngày 13/8 tại thị trấn hẻo lánh Hpakant, nơi nhiều người dân địa phương kiếm sống bằng nghề khai thác ngọc bích quanh khu vực này. Nhiều người trong số họ mạo hiểm mạng sống của mình để đào bới ở những nền đất không ổn định, những đống đổ nát do các công ty khai thác đào lên trước đó, với hy vọng tìm kiếm được những mảnh đá quý vụn để bán.
Hầu hết các vụ lở đất được ghi nhận tại khu vực này là do một phần các đống chứa chất thải bị lở và sụp xuống.
(Ảnh minh họa)
Hơn 100 nhân viên cứu hộ vẫn đang tích cực tìm kiếm với hy vọng mong manh rằng có thể tìm thấy những người còn may mắn sống sót. Ít nhất 8 người bị thương đã được đưa đến bệnh viện vào ngày hôm qua, ngay sau khi xảy ra vụ sạt lở. Hiện chưa tìm thấy thi thể nào trong số các nạn nhân được thông báo đang mất tích. Song theo nhận định của giới chức trách, không có nhiều cơ hội để tìm thấy người còn sống trong vụ sạt lở nghiêm trọng này.
Tai nạn không phải là chuyện hiếm gặp ở các mỏ khai thác ở Hpakant được quản lý lỏng lẻo, nơi đã từng chứng kiến một số thảm họa khai thác được đánh giá là tồi tệ nhất châu Á, trong đó phải kể đến vụ lở đất vào năm 2020 khiến ít nhất 170 người thiệt mạng. Myanmar sản xuất ra khoảng 90% lượng đá ngọc bích cho thế giới. Nhiều năm qua, ngành công nghiệp giá trị cao này đã mang lại doanh thu cho Myanmar hàng tỷ USD mỗi năm. Song khai thác ngọc bích cũng là nghề nguy hiểm khi tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn tại các địa điểm khai thác.