Ông Đặng Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam chia sẻ với VTC News, xác nhận trên địa bàn huyện vừa xảy ra vụ hàng chục học sinh nhập viện cấp cứu sau khi ăn sữa chua. Sự việc xảy ra tại Trường tiểu học Nguyễn Ngọc Bình (xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc).
Thông tin ban đầu vào 13h hôm qua (24/10), sau khi ngủ trưa dậy, gần 300 học sinh của Trường tiểu học Nguyễn Ngọc Bình được phát sữa chua và ăn ngay tại khu bán trú của nhà trường. Khoảng 30 phút sau, 15 học sinh (trong đó có 11 em lớp 4) xuất hiện triệu chứng đau bụng, nôn ói, mệt mỏi.
Các học sinh có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm được đưa tới Trạm Y tế xã Đại Hiệp, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam cấp cứu.
Bác sĩ Lê Công Huýt, Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam chia sẻ, thời điểm nhập viện, cả 15 học sinh đều có biểu hiện nôn ói và đau bụng. "Sau khi nhập viện điều trị, tình hình của 15 bệnh nhi đã dần ổn định.
Dự kiến, trong hôm nay, một số em sẽ được xuất viện về nhà. Những trường hợp còn lại, đặc biệt là 2 học sinh bị viêm đường ruột, tiếp tục được theo dõi và dự kiến đầu tuần tới sẽ xuất viện" - bác sĩ Huýt nói.
Ngay khi xảy ra vụ việc nghi ngộ độc thực phẩm, lãnh đạo huyện Đại Lộc đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện tiến hành thu thập mẫu sữa chua để xét nghiệm.
Trước đó cũng có vụ 19 học sinh Trường THPT Chi Lăng (Gia Lai) có biểu hiện đau bụng, nôn ói... hiện chưa thể kết luận vụ việc có phải do ngộ độc thực phẩm hay không.
Ngày 17/6, Sở Y tế Gia Lai cho biết đã có kết quả điều tra, xác minh vụ việc 19 học sinh Trường THPT Chi Lăng, TP Peliku, tỉnh Gia Lai có biểu hiện ngộ độc thực phẩm, theo Người Lao Động.
Vào ngày 15/6, Trường THPT Chi Lăng tổ chức ăn tập thể tại bếp ăn nhà trường cho gần 400 người (gồm học sinh, cán bộ giáo viên và các lao động tại trường).
Các món ăn buổi sáng gồm: bánh canh, xôi, nui. Thực đơn buổi trưa và tối là cơm trắng, sườn heo chiên, thịt gà chiên, canh rau má, canh rau cải ngọt và cải thảo xào.
Ngoài ra, một số em học sinh còn ăn thêm các món như trái cây, sữa chua, bánh kẹo…do cha mẹ gửi vào.
Đến sáng 16/6, có 19 học sinh có triệu chứng đau bụng, nôn ói, sốt… được đưa đến bệnh viện cấp cứu, chữa trị.
Trong ngày, 1 học sinh sức khỏe ổn định nên gia đình đưa về chăm sóc, còn lại 18 học sinh còn lại tiếp tục được theo dõi, chữa trị.
Ngay sau khi nắm thông tin vụ việc, Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm (Sở Y tế Gia Lai) đã lấy mẫu thức ăn ngày 15/6 do nhà trường lưu trữ để gửi kiểm nghiệm, xác định nguyên nhân.
Trúc Chi (t/h)