Tỉnh Khánh Hoà mới sẽ có 490km bờ biển
Chia sẻ với PV Tiền Phong chiều 22/4, ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Sau khi sáp nhập Khánh Hòa và Ninh Thuận thì tỉnh Khánh Hòa mới sẽ hình thành 3 trung tâm lớn nhất của đất nước, đó là trung tâm năng lượng sạch, trung tâm kinh tế biển và trung tâm du lịch.

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.
Đặc biệt, sau sáp nhập thì tỉnh Khánh Hòa mới sẽ có bờ biển dài nhất nước với 490km, cũng như có tuyến Quốc lộ 1 dài nhất với 210km. Do đó dư địa để tỉnh phát triển trong tương lai sẽ rất rộng mở. "Sau khi sáp nhập thì lãnh đạo tỉnh sẽ bắt tay vào triển khai ngay các công việc cụ thể, tôi tin rằng tốc độ tăng trưởng 2 con số là trong tầm tay", ông Tuân nhấn mạnh.
Để tạo điều kiện tối đa cho cán bộ, công chức, viên chức từ Ninh Thuận ra làm việc sau khi sáp nhập, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho hay, trước mắt sẽ rà soát, kiểm tra lại tất cả các cơ sở làm việc, cơ sở lưu trú và các chính sách để hỗ trợ cho cán bộ của tỉnh Ninh Thuận.
Theo ông Tuân, hiện nay trong điều kiện đang xây trụ sở Tỉnh ủy, HĐND, UBND mới thì tỉnh sẽ tận dụng các trụ sở các phường ở Nha Trang dôi dư sau khi sắp xếp để bố trí nơi làm việc cho các sở, ban, ngành. Đồng thời tỉnh cũng sẽ sửa chữa lại hệ thống nhà công vụ, bố trí nơi ở cho cán bộ từ tỉnh Ninh Thuận ra làm việc. Trong trường hợp không đủ nhà công vụ, UBND tỉnh sẽ có tờ trình báo cáo HĐND tỉnh Khánh Hòa mới thông qua chính sách về hỗ trợ tiền thuê nhà, phương tiện đi lại cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Ninh Thuận. UBND tỉnh cũng có yêu cầu Sở xây dựng tỉnh triển khai nghiên cứu các tuyến xe buýt để phục vụ cho cán bộ từ Ninh Thuận ra Nha Trang.
Sau khi sáp nhập, địa giới hành chính tỉnh Khánh Hòa mới sẽ rất rộng, số lượng cấp xã tăng lên và một số nơi sẽ rất xa trung tâm. Vì thế, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, việc này đòi hỏi cán bộ phải tinh thông công nghệ thông tin và phải áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, đồng thời phải phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền cấp xã.
Đặt tên xã, phường phải gắn với lịch sử
Chia sẻ về cách đặt tên xã và phường mới sau khi sắp xếp, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh: Trước hết, việc đặt tên phải gắn với truyền thống, lịch sử, văn hóa và tâm tư tình cảm của người dân địa phương, người dân sẽ quyết định việc chọn tên xã, phường nơi mình sinh sống.

Sau khi sáp nhập, tỉnh Khánh Hòa mới sẽ đường bờ biển dài nhất cả nước.
Theo ông Tuân, đến nay Khánh Hòa đã có phương án sắp xếp toàn tỉnh còn 39 xã, phường và 1 đặc khu Trường Sa. "Tất cả tên xã phường mới đều phù hợp, được sự ủng hộ của người dân, đặc biệt là những người cao tuổi. Ví dụ, người dân huyện Vạn Ninh rất mong muốn giữ lại những cái tên thân thuộc như: Tu Bông, Vạn Giã, Đại Lãnh. TP Cam Ranh thì giữ lại tên Ba Ngòi, Mỹ Ca. Thị xã Ninh Hòa thì giữ lại tên Hòa Thắng, Hòa Trí, Tân Định... đó là những cái tên đã có từ rất lâu và thân thuộc với người dân địa phương", ông Tuân chia sẻ và cho biết HĐND tỉnh sẽ họp để thông qua nghị quyết liên quan xếp đơn vị hành chính cấp xã vào cuối tháng 4/2025.