Siêu thị lo hụt doanh thu

Admin

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Coopmart Hà Nội chia sẻ, việc tăng giá điện lúc này có thể sẽ làm tăng giá thực phẩm, hàng tiêu dùng, dịch vụ phục vụ tết. Từ trước khi giá điện tăng, một số nhà cung cấp đã gửi thông báo yêu cầu tăng giá hàng hóa do giá nguyên liệu đầu vào tăng.

“Giá điện tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống siêu thị vì hệ thống sử dụng nhiều tủ mát, tủ đông và điều hòa để bảo quản đồ ăn. Tiền điện chiếm 30% doanh thu của siêu thị, việc tăng giá điện chắc chắn ảnh hưởng đến doanh thu chưa kể việc các nhà cung cấp cũng tăng giá hàng hóa”, bà Dung nói.

Bà Dung cho biết, nhiều tháng nay, hệ thống siêu thị doanh thu sụt giảm, giờ thêm việc giá điện tăng khiến doanh nghiệp khó khăn hơn. “Do kinh tế khó khăn, nhiều gia đình thắt chặt chi tiêu. Nhiều loại thực phẩm tươi sống như thịt, cá bị giảm đáng kể mức tiêu thụ bởi ngoài việc người dân mua đồ ăn ít lại, các gia đình chủ yếu ăn rau xanh nhiều hơn thịt”, bà Dung cho hay.

Theo tính toán, giá bán lẻ điện bình quân tăng 4,8% sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 0,04%. Để kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) lưu ý một số yếu tố cần theo dõi thận trọng, trong đó có điện. Bà Oanh dự báo, nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng tăng mạnh trong thời gian tới cũng gây áp lực lên lạm phát.

Bà Dung cho biết thêm, với mức tăng giá điện mới, hệ thống bán lẻ siêu thị chịu ảnh hưởng nặng nên kiến nghị cơ quan chức năng có hình thức trợ giá cho các siêu thị. “Siêu thị được trợ giá nhưng người hưởng lợi sẽ là khách hàng. Từ nay đến cuối năm bước vào tháng cao điểm mua sắm, chúng tôi đang cố gắng duy trì để kéo sức mua”, bà Dung nói. Trước đà tăng giá đang nhen nhóm ở mọi ngành hàng, nhiều đại diện siêu thị cho biết, đã thực hiện nhiều phương án giảm giá, bình ổn giá.

Ông Nguyễn Văn Lý, Giám đốc Hạ tầng - Thiết bị, Công ty TNHH Dụng cụ AN MI cho biết, tiền điện chiếm khoảng 30% chi phí sản xuất hàng tháng của doanh nghiệp. Theo đó, việc điều chỉnh giá điện lần này có thể làm sụt giảm lợi nhuận, hoặc doanh nghiệp buộc phải tăng giá bán để cân đối.

Một giám đốc siêu thị tại quận Cầu Giấy cho biết, mặc dù giá ở chợ đang rẻ hơn so với siêu thị, nhưng sức mua vẫn thấp. Do đó người bán hàng cố gắng giảm lợi nhuận để giữ mức rau củ quả, hàng hóa ít biến động nhất. Đại diện Saigon Co.op cũng cho biết, từ đây đến cuối năm sẽ tiếp tục tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển thị trường. Đối với nguồn hàng từ đây tới cuối năm, đơn vị này đã lên kế hoạch từ giữa năm 2024, để đảm bảo nguồn cung và giá cả.