Tăng cường công nghệ để chống vi phạm bản quyền

Admin

Để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm bản quyền cần có sự phối hợp hơn nữa từ các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian, đồng thời áp dụng các giải pháp chặn linh hoạt.

Tại Việt Nam, số trang web phát lậu các giải đấu thể thao lên đến hơn 1.000 website. Các trang này thay đổi tên miền liên tục để đối phó với việc bị các cơ quan nhà nước chặn tên miền. Chỉ riêng quý III/2023, số trang web lậu đã chặn là 467 web, giảm 90% lượt truy cập. Tuy nhiên, số lượng trang web lậu vẫn không ngừng gia tăng.

Trung bình 2 tuần cho đến 1 tháng, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử lại rà soát và gửi danh sách đến các nền tảng xuyên biên giới để yêu cầu gỡ các ứng dụng và nội dung vi phạm bản quyền. Các giải đấu thể thao có tính chất trực tiếp sẽ bị ngăn chặn ngay lập tức, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập.

Tăng cường công nghệ để chống vi phạm bản quyền - Ảnh 1.

Ông Phạm Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Bản quyền nội dung số, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT - cho biết: "Các đối tượng vi phạm bản quyền khi bị ngăn chặn họ sẽ nhanh chóng đổi tên miền mới và lại tiếp tục cung cấp các nội dung vi phạm bản quyền ngay trong thời gian trận đấu thể thao đang diễn ra. Vì vậy, chúng tôi đang phối hợp với truyền hình K+ và Canal + để có công cụ mạnh hơn để giới thiệu và đưa các công cụ này đến cơ quan nhà nước cũng như các chủ sở hữu".

Các đối tượng vi phạm bản quyền ngày càng nhanh thì công nghệ chống vi phạm bản quyền cũng cần nhanh.

Luật sư Phạm Thanh Thủy - Công ty TNHH Truyền hình Số Vệ Tinh Việt Nam K+ - cho biết: "Hiện nay, cơ quan nhà nước Việt Nam đang thực thi việc chặn đuổi mất nhiều thời gian thì công nghệ tới đây sẽ là chặn tự động. Đối với tất cả tên miền được đưa vào hệ thống mà đổi sang một tên miền mới, hệ thống này sẽ chủ động chặn tiếp. Như vậy, sẽ được chặn lập tức thay vì 1, 2 ngày gửi lại hồ sơ để yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước đưa ra công văn yêu cầu nhà mạng tiến hành chặn".

Tăng cường công nghệ để chống vi phạm bản quyền - Ảnh 2.

Ông Minkowski Simon - Trưởng phòng Bảo vệ bản quyền, Tập đoàn Canal + - chia sẻ: "Các biện pháp này đã được triển khai rất hiệu quả ở các nước ở châu Phi hay các quốc gia tiên tiến khác như Anh, Bồ Đào Nha. Chúng tôi sẽ thử nghiệm ở Việt Nam trong thời gian tới và mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian sẽ phối hợp cùng để nâng cao hiệu quả của công tác chặn truy cập".

Trong giải pháp này, vai trò của các nhà mạng là rất lớn và cũng cần chế tài mạnh hơn để xử lý các hành vi vi phạm. Bên cạnh nỗ lực cải tiến công nghệ, điều quan trọng nhất vẫn là đào tạo nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề bản quyền.