Temu, 1688, Taobao đẩy mạnh vào Việt Nam giữa "cơn sốt" hàng giá rẻ: Hơn một nửa doanh số thị trường TMĐT là sản phẩm dưới 200.000 đồng

Admin

Không chỉ có Temu âm thầm gia nhập thị trường Việt Nam, 1688 và Taobao cũng có những động thái giúp người tiêu dùng Việt dễ dàng mua hàng hơn trên các nền tảng này. Trong khi đó, các sản phẩm dưới 200.000 đồng đang chiếm hơn một nửa doanh số toàn thị trường TMĐT Việt Nam.

Các sàn TMĐT Trung Quốc nhắm tới thị trường Việt Nam

Temu, nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới thuộc sở hữu của tập đoàn Trung Quốc PDD Holdings, mới đây gây chú ý khi âm thầm gia nhập thị trường Việt Nam và Brunei. Trước đó, Temu đã xuất hiện tại các nước Đông Nam Á khác là Philippines, Malaysia và Thái Lan, sau khi “làm mưa làm gió” tại thị trường Mỹ dù chỉ mới ra đời 2 năm.

Không chỉ Temu, hai nền tảng mua sắm trực tuyến khác của Trung Quốc nổi tiếng vì hàng giá rẻ là 1688 và Taobao cũng có những động thái đáng chú ý.

Hiện nay, ứng dụng 1688 phiên bản dành cho hệ điều hành iOS đã có ngôn ngữ tiếng Việt. Các trang giới thiệu, đăng nhập hay gợi ý chủ đề được chuyển ngữ để dễ sử dụng.

Trước đó, ứng dụng này chỉ có bản tiếng Trung, không có cả lựa chọn tiếng Anh. Riêng người dùng Việt Nam còn nhìn thấy các quảng cáo liên quan đến việc hỗ trợ trực tiếp, thanh toán quốc tế và vận chuyển nhanh, không qua trung gian.

Trong Báo cáo Thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý 3/2024 và dự báo quý 4/2024, nền tảng số liệu TMĐT Metric đánh giá đây là dấu hiệu cho thấy 1688 nhắm đến thị trường Việt Nam.

Metric còn chỉ ra rằng từ tháng 8, Taobao - nền tảng TMĐT của Alibaba - cũng đã cho ra mắt chương trình giao hàng quốc tế miễn phí đối với các sản phẩm thời trang. Chương trình này mới áp dụng cho người dùng tại một số nơi như Singapore, Malaysia, Hàn Quốc… Còn tại Việt Nam, ứng dụng Taobao chưa hỗ trợ tiếng Việt, nhưng đã cho phép vận chuyển đến địa chỉ của người dùng tại Việt Nam.

“ Những động thái của Temu, 1688 và Taobao làm gia tăng áp lực cạnh tranh, khi trước đó thị trường đã bị chi phối bởi các nền tảng nước ngoài như Shopee, Lazada và TikTok Shop. Doanh nghiệp bán lẻ trong nước phải đối mặt với thách thức về giá và tốc độ dịch vụ, do vậy cần nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự khác biệt về sản phẩm và tối ưu hóa quy trình để cạnh tranh ”, Metric phân tích.

“Cơn sốt” hàng giá rẻ

Sức hút của Temu, 1688 hay Taobao được cho là chủ yếu đến từ hàng loạt sản phẩm có mức giá rất rẻ. Nhiều mặt hàng trên Temu được giảm giá gấp 2-3 lần, hoặc khuyến mại tới 90%. Quá trình giao hàng đến Việt Nam cũng chỉ mất 4-7 ngày và được miễn phí vận chuyển tất cả các đơn hàng.

Trong khi đó, báo cáo mới đây của Metric chỉ ra một điểm nhấn của thị trường TMĐT Việt Nam quý 3/2024 là sự gia tăng mạnh mẽ của các sản phẩm thuộc phân khúc giá rẻ. Các sản phẩm có giá dưới 200.000 đồng đã chiếm hơn một nửa tổng doanh số toàn thị trường, với mức tăng 9% thị phần so với cùng kỳ năm ngoái .

Temu, 1688, Taobao đẩy mạnh vào Việt Nam giữa "cơn sốt" hàng giá rẻ: Hơn một nửa doanh số thị trường TMĐT là sản phẩm dưới 200.000 đồng- Ảnh 1.

Thị trường TMĐT Việt Nam theo phân khúc giá quý 3/2024. Nguồn: Metric.

Cụ thể, phân khúc dưới 100.000 đồng đã tăng 5%, dẫn đầu thị phần doanh số theo phân khúc giá khi chiếm tới 27%, tương đương mức doanh số 21.973 tỷ đồng. Phân khúc từ 100.000 đến 200.000 đồng tăng thêm 4%, lên mức 24%, tương đương mức doanh số 19.770 tỷ đồng.

Trong khi đó, phân khúc giá từ 500.000 – 750.000 đồng và 750.000 – 1 triệu đồng đều bị giảm 1% thị phần so với quý 3/2023, xuống còn lần lượt 6% và 4%. Đáng chú ý, những sản phẩm trên 1 triệu đồng chỉ còn chiếm 14% thị phần doanh số - tương đương 11.561 tỷ đồng, trong khi năm ngoái con số này là 22%, tức là ngang bằng với thị phần của phân khúc dưới 100.000 đồng.

Trong buổi họp báo thường kỳ quý 3 diễn ra chiều 23/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã trả lời câu hỏi liên quan đến việc quản lý các sàn TMĐT xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có Temu.

" Bộ Công Thương sẽ triển khai đề án để đảm bảo quản lý chặt chẽ, chống gian lận, hàng giả, hàng nhái trên môi trường TMĐT. Về giá cả, tôi cũng giật mình khi thấy giá của họ rẻ, nhưng phải điều tra, nghiên cứu cụ thể, vì chưa thể khẳng định giá đó thật hay không. Trước hết phải tôn trọng việc mua bán là thỏa thuận trên thị trường ", ông Tân cho hay.

9 tháng đầu năm 2024, thị trường TMĐT Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực với tổng doanh số đạt 227,7 nghìn tỷ đồng, tăng 37,66% so với cùng kỳ 2023. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các nền tảng, chỉ có TikTok Shop và Shopee ghi nhận tăng trưởng khả quan so với cả quý 2/2024 lẫn cùng kỳ 2023.

Tuy nhiên, Tiki cũng là một điểm sáng bất ngờ trong quý 3/2024. Sau khi ghi nhận tăng trưởng âm so với cùng kỳ 2023, Tiki đã phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 38,1% so với quý liền kề, tạo ra một bước ngoặt khả quan cho nền tảng của Việt Nam.