Thách thức bủa vây doanh nghiệp xuất khẩu điều và bài toán cân đối nguyên liệu với đơn hàng

Admin

Biến động về giá điều thô nguyên liệu phục vụ xuất khẩu đang khiến doanh nghiệp chật vật tìm giải pháp cân đối giữa nguyên liệu và đơn hàng xuất khẩu.

Thách thức bủa vây

Dù xuất khẩu ghi nhận tốc độ tăng trưởng 2 con số trong nửa đầu năm 2024, nhưng ngành điều Việt Nam đang đối mặt với tình hình biến động giá nguyên liệu. Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, thời gian gần đây, Vinacas nhận được thông tin phản ánh từ phía doanh nghiệp về việc không nhận được đầy đủ nguyên liệu từ đối tác là các nước Tây Phi trước tình hình giá điều thô tăng mạnh, thông tin từ báo Công Thương.

Nguyên nhân là do sản lượng hạt điều tại khu vực Tây Phi giảm và một số nước như Bờ Biển Ngà áp dụng chính sách tạm ngưng xuất khẩu hạt điều thô để hỗ trợ các nhà máy sản xuất hạt điều nội địa.

Theo doanh nghiệp ngành điều, mặc dù đã ký hợp đồng mua điều thô ngay từ quý I/2024, tuy nhiên, trong 2 tháng qua, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hạt điều của Việt Nam chỉ nhận được 1/3 đơn hàng đã ký hợp đồng nhưng lại là hạt điều chất lượng thấp, không đúng tiêu chuẩn chất lượng như đã ký kết. Không những vậy, giá giao hàng lại tăng cao gần 40% so với hợp đồng đã ký kết trước đó.

Dù Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về chế biến và xuất khẩu điều, có khả năng chế biến hàng năm từ 3,5 - 4 triệu tấn điều thô, nhưng nguồn cung trong nước ngày càng giảm đi. Đến thời điểm hiện tại, chỉ có khoảng 10% nhu cầu nguyên liệu chế biến được đáp ứng trong nước, phần còn lại phải nhập khẩu, đặc biệt các nước Tây Phi chiếm tỷ lệ lớn, khoảng từ 70 - 75% (tương đương khoảng 2,3 triệu tấn/năm).

Xu hướng thị trường - Thách thức bủa vây doanh nghiệp xuất khẩu điều và bài toán cân đối nguyên liệu với đơn hàng

Dù xuất khẩu ghi nhận tốc độ tăng trưởng 2 con số trong nửa đầu năm 2024, nhưng ngành điều Việt Nam đang đối mặt với tình hình biến động giá nguyên liệu. Ảnh minh họa từ internet

Sự biến động của giá điều và sản lượng sẽ tác động lớn đến hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam trong thời điểm quý III và quý IV năm 2024. Đồng thời còn khiến doanh nghiệp Việt Nam không thể ký hợp đồng xuất khẩu với đơn vị mua trong quý III và quý IV bởi chưa xác định được giá nguyên liệu cụ thể và sản lượng hạt điều thô nhập khẩu về.

Không những vậy, các doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí nguyên liệu đầu vào cao hơn và đồng thời phải đảm bảo rằng giá bán vẫn cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng cạnh tranh hạn chế.

Cân đối giữa nguyên liệu và đơn hàng xuất khẩu

Chia sẻ về vấn đề này, TTXVN dẫn lời ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, với biến động giá nguyên liệu điều thô đã gây ra sự thay đổi trong cấu trúc nhu cầu của thị trường. Với giá cả cao hơn, người tiêu dùng có thể chuyển sang sử dụng các loại hạt điều thay thế hoặc giảm lượng tiêu thụ. Điều này có thể làm giảm doanh số bán hàng và ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều. Đồng thời, nếu giá hạt điều tiếp tục tăng mạnh, các doanh nghiệp cần tìm cách tăng năng suất sản xuất hoặc tìm kiếm nguồn cung cấp hạt điều thô từ các nguồn khác nhau, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Ngoài ra, tăng giá hạt điều thô cũng có thể gây ra các vấn đề về cạnh tranh không lành mạnh. Các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh không công bằng từ các nhà sản xuất trong nước hoặc từ các quốc gia khác - ông Bạch Khánh Nhựt chia sẻ thêm.

Với nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến đến 90% phụ thuộc vào các quốc gia cung cấp điều thô từ châu Phi và Campuchia, doanh nghiệp chế biến điều xuất khẩu nói riêng và Hiệp hội Điều Việt Nam đồng lòng đi tìm giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu cung ứng cho hoạt động sản xuất 6 tháng cuối năm 2024. Bởi nguồn nguyên liệu hiện tại chỉ được giao từ 1/3 đến 50% đơn đặt hàng, mà giá nguyên liệu tăng đến tối đa 40% thì bắt buộc doanh nghiệp phải tăng giá thành phẩm xuất khẩu với khách hàng truyền thống.

Ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam chia sẻ, với các lô hàng nguyên liệu được giao trước đó không đúng với chất lượng đã ký kết với các nhà xuất khẩu châu Phi, sẽ làm giảm chất lượng thành phẩm của ngành điều Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp chế biến lớn của Việt Nam cũng sẽ chuyển sang phương thức này để tồn tại và giữ vững uy tín, cũng như thương hiệu của hạt điều Việt Nam.

Theo đó, doanh nghiệp sẽ xem xét tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm chế biến sâu và đầu tư cho nghiên cứu phát triển thị trường. Bên cạnh việc khơi dậy nhu cầu từ đó sáng tạo sản phẩm để đáp ứng, doanh nghiệp phải có những phương thức quảng bá năng động để nhanh chóng đưa sản phẩm chế biến đến với người tiêu dùng cuối cùng. Cách thức này có thể giúp doanh nghiệp điều tiết được nguồn nguyên liệu hiện có mà vẫn giữ vững được thị trường, cung như uy tín của ngành điều Việt Nam.

Theo thống kê của hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hạt điều 6 tháng năm 2024 ước đạt hơn 1,9 tỷ USD, tăng 5,57% so với cùng kỳ năm 2023, sản lượng đạt 351.000 tấn, tăng 13% về lượng so với cùng kỳ năm 2023.

Hiệp hội Điều Việt Nam cũng đã có văn bản kiến nghị lên Chính phủ, các bộ ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn cho ngành điều, trong đó có tác động các nước châu Phi gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu điều thô. Với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội kiến nghị quan tâm phát triển vùng nguyên liệu điều, phát triển bộ giống điều chất lượng, năng suất cao. Điều này sẽ giúp các nhà chế biến điều giảm bớt phụ thuộc nguồn nhập khẩu.

Đào Vũ (T/h)