Thanh Hóa “chạy nước rút” giải ngân vốn đầu tư công, duy trì top đầu

Admin

Thanh Hóa đặt mục tiêu hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công trong thời gian 2 tháng còn lại của năm 2024.

Điểm sáng giải ngân vốn đầu tư công 

Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa thông tin về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh này trong những tháng đã qua trong năm 2024, theo đó, tính đến cuối tháng 10/2024, tỉnh Thanh Hóa đã giải ngân được hơn 9.300 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 65,9% trong tổng kế hoạch giải ngân hơn 14.122 tỷ đồng mà Chính phủ giao. Kết quả này đưa Thanh Hóa lọt nhóm tỉnh thành có tiến độ giải ngân nhanh với vị trí thứ 4 cả nước về giải ngân vốn đầu tư công. 

Theo đó, sau 10 tháng đầu năm 2024 có 22 chủ đầu tư, địa phương có tỉ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình của cả tỉnh. Trong đó, tiêu biểu khối sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh gồm: Văn phòng Tỉnh ủy; Văn phòng UBND tỉnh; Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; Trường THPT Chuyên Lam Sơn; Sở Công Thương; Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa; Tỉnh đoàn; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Thanh Hóa. 

Nhóm 12 địa phương có tỉ lệ giải ngân cao gồm: Thành phố Sầm Sơn; thành phố Thanh Hóa; thị xã Bỉm Sơn; các huyện: Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Yên Định, Như Xuân, Thọ Xuân, Thạch Thành, Quảng Xương, Quan Hóa, Bá Thước và 2 đơn vị khác là Liên minh hợp tác xã và Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng. 

Thanh Hóa “chạy nước rút” giải ngân vốn đầu tư công, duy trì top đầu- Ảnh 1.

Trụ sở UBND Tp.Sầm Sơn khánh thành đưa vào sử dụng tháng 1/2024 sau 3 năm đầu tư xây dựng.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đặng Anh Đức, Giám đốc Ban quản lý dự án Tp.Sầm Sơn cho biết, tính tới thời điểm này thành phố Sầm Sơn đã giải ngân trên 95%, thuộc nhóm đầu tỉnh về tỉ lệ giải ngân nhanh. Dự kiến trong năm 2024 thành phố chắc chắn sẽ hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn được giao. 

"Xác định vai trò, ý nghĩa quan trọng của đầu tư công đối với phát triển kinh tế - xã hội, từ đầu năm thành phố đã bắt tay triển khai các giải pháp, kế hoạch cụ thể. Các dự án giải ngân vốn đầu tư công tại thành phố chủ yếu là các dự án cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn. Hiện tiến độ giải ngân thành phố đạt trên 95% kế hoạch tỉnh giao, trong những tháng còn lại chắc chắn sẽ hoàn thành mục tiêu giải ngân 100%", ông Đức cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Ban quản lý dự án Tp.Sầm Sơn, trong năm qua tình hình bất động sản đóng băng, nguồn thu từ đất giảm sút vì vậy thành phố cũng không có nhiều nguồn để thực hiện đầu tư công. 

"Năm nay Sầm Sơn được phân bổ hơn một trăm tỷ đồng, trong khi các nguồn lớn khác của địa phương như thu từ đất nhiều năm qua gặp khó do thị trường bất động sản đi xuống. Vì vậy có muốn làm thêm cũng khó", ông Đức chia sẻ thêm.   

Về vấn đề này, ông Lê Bá Hùng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư công trình giao thông Thanh Hóa cho biết, đối với các dự án đã hoàn thành GPMB, nhưng tiến độ thi công chậm, đơn vị đã báo cáo lãnh đạo tỉnh cho điều chuyển kế hoạch sử dụng vốn sang dự án có tốc độ giải ngân vốn tốt hơn, nhằm đảm bảo tiến độ, kế hoạch đề ra.

Cũng theo ông Hùng, các dự án do đơn vị làm chủ đầu tư chủ yếu là vốn trung hạn, phân kỳ trong nhiều năm, việc điều chuyển vốn từ dự án này sang dự án khác là hợp lý, tổng nguồn vốn không đổi. 

Kết quả của Tp.Sầm Sơn đã thể hiện rõ sự năng động và những nỗ lực, quyết tâm cao của các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đặt ra giải pháp phù hợp để có thể luân chuyển, sử dụng vốn đầu tư công được hiệu quả, chuyển từ "nơi chậm sang nơi nhanh" để tránh lãng phí nguồn lực cũng như tạo môi trường động lực cạnh tranh giữa các đơn vị, chủ đầu tư.  

Giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2024

Tại hội nghị trực tuyến về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách Nhà nước 10 tháng năm 2024, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phát động chiến dịch 60 ngày, đêm tăng tốc hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Mục tiêu trong năm 2024, toàn tỉnh giải ngân 100% vốn đã được Chính phủ giao, bất luận khó khăn, thách thức.

Để thực hiện, UBND tỉnh Thanh Hoá đã thành lập 5 tổ công tác chỉ đạo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thanh Hóa “chạy nước rút” giải ngân vốn đầu tư công, duy trì top đầu- Ảnh 2.

Tiền thu từ Bất động sản là một nguồn vốn đối ứng quan trọng giải ngân vốn đầu tư công.

Các tổ công tác của tỉnh tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát hiện trường nhằm đôn đốc các địa phương, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác GPMB, vật liệu xây dựng. 

Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm hoàn thành hồ sơ thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. 

Song song, UBND tỉnh Thanh Hoá chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, khắc phục tình trạng "vốn chờ thủ tục", chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền cắt giảm, điều chỉnh, luân chuyển vốn của các dự án không có khả năng giải ngân, chậm giải ngân. 

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hoá cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, tham mưu đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật liên quan đến các dự án đầu tư nhưng chưa phù hợp với tình hình thực tế, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của dự án.

Đáng chú ý, liên quan công tác GPMB - là một trong những "điểm nghẽn" lớn kéo lùi tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của hầu hết các địa phương. 

Ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 5/1/2024 về GPMB làm căn cứ và giao nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương trong GPMB thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024. 

Vì vậy, góp phần khởi thông, tháo gỡ "điểm nghẽn" cho nhiều chủ đầu tư hoàn thành tốt, vượt chỉ tiêu tiến độ về GPMB trong năm 2024.

Thanh Hóa “chạy nước rút” giải ngân vốn đầu tư công, duy trì top đầu- Ảnh 3.

Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trong một lần đi thị sát tình hình GPMB tại cơ sở.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngoài những thành quả đáng khích lệ mà các đơn vị, địa phương đã làm được, thì vẫn còn một số đơn vị, địa phương vẫn chưa quyết liệt trong chỉ đạo và tỏ ra lúng túng, không có biện pháp cụ thể để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc dẫn tới chậm chễ trong giải ngân vốn đầu tư công. 

Trong thời gian ngắn 2 tháng cuối năm, vị lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị, địa phương quyết liệt, sâu sát hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đạt mục tiêu đến ngày 31/12/2024, toàn tỉnh sẽ giải ngân 100% vốn được giao. 

Đồng thời, vị lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho rằng mục tiêu này phải được hoàn thành và Thanh Hóa hoàn toàn có đủ cơ sở để có thể hoàn thành mục tiêu này trong 2 tháng còn lại của năm 2024.

Việt Phương