Vi phạm về nghĩa vụ công bố thông tin
Trong thời kỳ thanh tra, Công ty đã thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin (CBTT) các thông tin định kỳ, bất thường theo quy định. Tuy nhiên, Công ty còn có vi phạm, thiếu sót trong tuân thủ quy định pháp luật về nghĩa vụ CBTT của tổ chức đăng ký giao dịch và tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, cụ thể:
Báo cáo tài chính quý 4 năm 2021 (công ty mẹ và hợp nhất); Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021; Báo cáo thường niên năm 2021; Báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2022 (công ty mẹ và hợp nhất); Báo cáo tài chính quý 2 năm 2023 (công ty mẹ và hợp nhất); Báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2023 (công ty mẹ và hợp nhất); Báo cáo tài chính riêng quý 4 năm 2023, Điều lệ công ty sửa đổi, bổ sung lần thứ 13; Nghị quyết Hội đồng quản trị số 03/2022/NQ-HĐQT ngày 20/1/2022 về việc ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần New Link; Nghị quyết Hội đồng quản trị số 04/2023/NQ-HĐQT ngày 20/2/2023 về việc ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần New Link…
Việc tuân thủ quy định pháp luật về quản trị công ty, qua thanh tra cho thấy, công ty đã xây dựng, ban hành Quy chế nội bộ về quản trị công ty, Quy chế hoạt động của hội đồng quản trị, Quy chế hoạt động của Ban kiểm soát và được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2022 thông qua…
Tuy nhiên, Quy chế chưa bao gồm trình tự thủ tục họp ĐHĐCĐ thông qua Nghị quyết bằng hình thức hội nghị trực tuyến theo mẫu tại Phụ lục II Thông tư số 116/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP (Thông tư số 116/2020/TT-BTC).
Về tổ chức ĐHĐCĐ, thông báo mời họp các kỳ họp ĐHĐCĐ của công ty không gửi kèm dự thảo nghị quyết để thông qua từng vấn đề tại ĐHĐCĐ và phiếu biểu quyết theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 143 Luật Doanh nghiệp 2020.
Báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát trình các kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên không đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 280 và Điều 290 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.
Đáng lưu ý, về Báo cáo hoạt động của HĐQT, BKS: Báo cáo hoạt động của HĐQT và BKS trình các kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên không đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 280 và Điều 290 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP (Báo cáo hoạt động của HĐQT và BKS trình các kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên không có nội dung Báo cáo về các giao dịch giữa công ty, công ty con, công ty do công ty đại chúng nắm quyền kiểm soát trên 50% trở lên vốn điều lệ với thành viên HĐQT và những người có liên quan của thành viên đó; giao dịch giữa công ty với công ty trong đó thành viên HĐQT là thành viên sáng lập hoặc là người quản lý doanh nghiệp trong thời gian 03 năm gần nhất trước thời điểm giao dịch; ngoài ra, Báo cáo hoạt động của HĐQT và BKS trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 không có nội dung Thù lao, chi phí hoạt động và các lợi ích khác của từng thành viên HĐQT và từng thành viên BKS).
Lấy 600 tỷ đợt chào bán chứng khoán cho cổ đông vay
Theo Kết luận thanh tra kể trên, về giao dịch với bên liên quan: Theo danh sách cổ đông do VSDC chốt ngày 26/3/2024, Công ty cổ phần Dịch vụ và Đầu tư Trustlink (Trustlink) là cổ đông của Công ty, nắm giữ 2.305.000 cổ phiếu C4G. Từ ngày 01/4/2024, Công ty đã sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán cho Trustlink vay theo các Hợp đồng cho vay số 01042024-01/HĐVTSV/TT ngày 01/4/2024 (350 tỷ đồng) và số 01072024-04/HĐVTSV/TT ngày 01/7/2024 (374 tỷ đồng), vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 293 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.
Qua rà soát sao kê tài khoản phong tỏa số 17008068979797 tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - Chi nhánh Ba Đình cho thấy, ngày 04/3/2022 Công ty bắt đầu thực hiện giải tỏa tài khoản phong tỏa.
Đoàn Thanh tra thực hiện chọn mẫu một số giao dịch giải ngân của Công ty, cho thấy: Ngày 04/3/2022, Công ty đã chuyển 500 tỷ đồng cho Trustlink theo các Hợp đồng vay tài sản số 04032022-01/HĐVTSV/TT, số 04032022-02/HĐVTSV/TT, số 04032022-03/HĐVTSV/TT ký ngày 04/3/2022 (tổng giá trị 500 tỷ đồng, thời gian vay từ 01-03 tháng, lãi suất 8,95%-10%/năm).
Trongkhoảng thời gian từ ngày 19/4/2022 đến ngày 25/8/2022, Trustlink đã chuyển trả lại toàn bộ số tiền vay kèm tiền lãi vay vào tài khoản này.
Theo báo cáo của Công ty, giao dịch này được thực hiện theo nội dung
được HĐQT thông qua tại Quyết định số 2338/QĐ-HĐQT ngày 03/3/2022 về việc sử dụng số tiền tạm thời nhàn rỗi để gửi/cho vay/mua chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn ngắn hạn tại các tổ chức tài chính, số tiền tối đa không quá 555 tỷ đồng. Nội dung này đã được báo cáo ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 về việc đã cho doanh nghiệp khác vay ngắn hạn khoản tiền nhàn rỗi tạm thời với tổng giá trị 500 tỷ đồng với lãi suất 8,95%-10%/năm.
Đến ngày 07/3/2022, Công ty tiếp tục chuyển 200 tỷ đồng từ tài khoản phong tỏa vào tài khoản số 5100000210 của Công ty mở tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Nghệ An và 300 tỷ đồng vào tài khoản số 021704070797979 của Công ty mở tại Ngân hàng Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) – Chi nhánh Hà Nội. Qua rà soát sao kê tài khoản số 021704070797979 mở tại HDBank cho thấy ngày 07/3/2022, Công ty đã thực hiện chuyển 100 tỷ đồng cho Trustlink với nội dung “Chuyen tien vay tai san cho Cong ty Trustlink”.
Thời điểm này, Công ty vẫn đang sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán để cho Trustlink vay 500 tỷ đồng. Theo báo cáo của Công ty, đây là khoản Công ty cho Trustlink vay, đến ngày 10/3/2022, Trustlink chuyển trả vào tài khoản chứng khoán của Công ty mở tại Công ty cổ phần chứng khoán VNDriect (VNDirect).
Như vậy, tại ngày 07/3/2022, Công ty đã sử dụng 600 tỷ đồng (vượt quá 50%) số tiền thu được từ đợt chào bán cho Trustlink vay mà chưa được ĐHĐCĐ thông qua.
Mặt khác, Công ty đã thay đổi phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán với giá trị vượt quá 50% số tiền thu được từ đợt chào bán mà chưa được ĐHĐCĐ thông qua và không báo cáo UBCKNN về việc thay đổi phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán theo quy định tại mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 9 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.
Yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục sai phạm
Trong quá trình tiến hành thanh tra, đoàn đã yêu cầu công ty rà soát, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm, thiếu sót, tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật về báo cáo, CBTT; tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật trong việc chào bán, phát hành chứng khoán, sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán…
Đối với các vi phạm của công ty được chỉ ra trong kết luận thanh tra (hành vi: CBTT không đúng thời hạn theo quy định pháp luật; CBTT không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật; vi phạm quy định về giao dịch với cổ đông, người quản lý doanh nghiệp và người có liên quan của các đối tượng này; không báo cáo đối với thông tin phải báo cáo theo quy định pháp luật; thay đổi phương án sử dụng vốn, số tiền thu được từ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không thông qua ĐHĐCĐ), Thanh tra UBCKNN kiến nghị UBCKNN xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.
Thanh tra UBCKNN đề nghị công ty khẩn trương có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, thiếu sót sau thanh tra, cụ thể: Về nghĩa vụ CBTT, rà soát nghĩa vụ CBTT, đảm bảo thông tin được công bố đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn theo quy định.
Chào bán, phát hành chứng khoán, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật trong việc chào bán, phát hành chứng khoán, sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán, nghĩa vụ báo cáo, CBTT liên quan đến đợt chào bán, phát hành. Công ty và Hội đồng quản trị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến việc sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu năm 2022, 2023.
Công ty phải báo cáo ĐHĐCĐ gần nhất thông qua về việc thay đổi phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán với giá trị thay đổi lớn hơn 50% số tiền thu được từ đợt chào bán năm 2022, 2023; báo cáo UBCKNN về việc thay đổi phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu năm 2022, 2023 theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 9 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.
Về quản trị, công ty phải thu hồi các khoản cho Trustlink vay; sửa đổi, bổ sung Quy chế nội bộ về quản trị công ty theo mẫu tại Phụ lục II Thông tư số 116/2020/TT-BTC; khắc phục bổ sung Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2022 và 2023, Báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát tại ĐHĐCĐ thường niên đầy đủ nội dung theo quy định.
Công ty phải đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật doanh nghiệp, pháp luật chứng khoán trong giao dịch với bên liên quan (giao dịch với cổ đông công ty, Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc, người quản lý doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân liên quan của các đối tượng này), trong việc triệu tập, tổ chức họp ĐHĐCĐ, biểu quyết và thông qua Nghị quyết ĐHĐCĐ; đảm bảo gửi thông báo mời họp có đầy đủ tài liệu kèm theo cho cổ đông và được gửi bằng phương thức bảo đảm đến được địa chỉ liên lạc của tất cả cổ đông theo quy định. Công ty phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về việc triệu tập, thông qua kết quả họp ĐHĐCĐ và về khiếu nại, khiếu kiện của cổ đông (nếu có).
Thanh tra UBCKNN yêu cầu công ty thực hiện ngay các biện pháp chấn chỉnh, khắc phục sau thanh tra trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký kết luận thanh tra. Báo cáo kết quả gửi về Thanh tra UBCKNN trong vòng 5 ngày, kể từ ngày hết thời hạn chấn chỉnh, khắc phục.
Quý III/2024, doanh thu tài chính Cienco 4 đạt 22,1 tỷ đồng, giảm 28%, tỷ lệ nợ còn 5.620 tỷ đồng
Trong quý III/2024, Cienco 4 mang về 789,8 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ giá vốn chỉ tăng 8%, lên 683,8 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 106 tỷ đồng, tăng 35%.
Kỳ này, doanh thu tài chính của Cienco 4 giảm 28%, xuống 22,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chi phí cũng được tiết giảm mạnh, gồm chi phí tài chính giảm 25%, còn 46,6 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 31%, còn 422 triệu đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 17%, còn 15,3 tỷ đồng.
Kết quả, Cienco 4 lãi sau thuế gần 55,2 tỷ đồng, tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng Công ty mẹ đạt 55,3 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng 2024, Cienco 4 đạt 2.216,3 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 24%. Trong đó, doanh thu hợp đồng xây dựng đạt 1.890 tỷ đồng; doanh thu cung cấp dịch vụ đạt 290,4 tỷ đồng; còn lại doanh thu cung cấp dịch vụ, doanh thu khác… Lợi nhuận sau thuế 9 tháng của C4G đạt 154,9 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ đạt 156 tỷ đồng.
Năm 2024, Công ty lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, Cienco 4 đã hoàn thành 62% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tính đến cuối quý III, tổng tài sản Cienco 4 giảm nhẹ so với đầu năm, xuống còn 9.518 tỷ đồng. Trong đó, tiền và tương đương tiền của doanh nghiệp đạt gần 497 tỷ đồng, giảm 30%; các khoản phải thu ngắn hạn tăng nhẹ lên gần 4.008 tỷ đồng; hàng tồn kho cũng tăng 13%, lên gần 897 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang gần 879 tỷ đồng.
Mặt khác, C4G đang còn 5.620 tỷ đồng nợ phải trả, giảm 4% so với đầu năm. Riêng nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn của C4G còn lần lượt 947,4 tỷ đồng và 1.967,4 tỷ đồng.