Thấy gì từ việc Trung Quốc mở lãnh sự quán tại vùng dầu mỏ chiến lược của Iran?

Admin

Tổng Lãnh sự mới của Trung Quốc đã nhậm chức tại Bandar Abbas, miền Nam Iran. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ ngày càng thắt chặt giữa Bắc Kinh và Tehran, trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây đang leo thang.

Thấy gì từ việc Trung Quốc mở lãnh sự quán tại vùng dầu mỏ chiến lược của Iran? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Shutterstock

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Đại sứ quán Trung Quốc tại Tehran thông báo ông Xu Wei, Tổng lãnh sự mới được bổ nhiệm, đã hạ cánh xuống Bandar Abbas vào hôm 27/8 và được các quan chức Iran cùng các nhà ngoại giao Trung Quốc đón tiếp nồng nhiệt tại sân bay.

Ông Xu, người từng giữ chức Phó Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Iran nhiệm kỳ 2016 - 2017, cho biết ông mong muốn “được làm việc với tất cả các ban ngành của cơ quan lãnh sự để thúc đẩy trao đổi mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Trung Quốc và 8 tỉnh phía Nam Iran, cũng như để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân sự và tổ chức Trung Quốc”.

Động thái trên diễn ra 8 tháng sau khi Bắc Kinh tuyên bố mở lãnh sự quán mới ở Bandar Abbas, vùng cảng có vị trí chiến lược trên eo biển Hormuz, một trong những tuyến đường thương mại dầu mỏ quan trọng nhất thế giới.

Đây cũng là lãnh sự quán đầu tiên của Trung Quốc tại Iran. Khi cơ quan ngoại giao này chính thức khánh thành vào tháng 12 năm ngoái, Đại sứ Trung Quốc tại Iran Chang Hua ca ngợi đây là “thời điểm mang tính bước ngoặt mới” trong quan hệ song phương.

Bandar Abbas nằm trên bờ biển vịnh Hormuz và kiểm soát eo biển Hormuz, nối vịnh Ba Tư với vịnh Oman ở phía đông.

Giáo sư Fan Hongda tại Viện Nghiên cứu Trung Đông, thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho biết sự hiện diện của phái đoàn ngoại giao mới của Trung Quốc ở miền nam Iran sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác của Trung Quốc với Iran, đặc biệt là ở khu vực phía nam nước này.

Giáo sư Fan lưu ý với tư cách là trung tâm của tỉnh Hormozgan, Bandar Abbas là trung tâm thương mại lớn trên vịnh Ba Tư và biển Oman. Khu vực này rất quan trọng đối với sự phát triển của miền nam Iran khi sở hữu một số cảng biển lớn nhất đất nước - bao gồm các đảo Kish và Qeshm cũng như Jask và Chabahar trên vịnh Oman.

“Trung Quốc cần chú ý hơn đến việc trao đổi với miền Nam Iran. Và tất nhiên, các cơ quan ngoại giao Trung Quốc cần cung cấp dịch vụ kịp thời và hiệu quả cho những trao đổi này. Vì vậy, việc Trung Quốc mở lãnh sự quán ở Bandar Abbas là rất cần thiết”, ông Fan nhận định.

Vị giáo sư này cũng nói thêm rằng phái đoàn ngoại giao mới cũng có thể giúp Bắc Kinh hiểu Iran hơn.

“Việc mở lãnh sự quán Trung Quốc tại Bandar Abbas sẽ giúp giới chức Trung Quốc hiểu rõ hơn về Iran. Và dĩ nhiên, điều đó sẽ có lợi cho sự phát triển quan hệ song phương”, ông nói thêm.

Thấy gì từ việc Trung Quốc mở lãnh sự quán tại vùng dầu mỏ chiến lược của Iran? - Ảnh 2.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ tiếp đón tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 14/2. Ảnh: Reuters

Trogn bối cảnh căng thẳng với Mỹ leo thang, Trung Quốc và Iran đã tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn trong những năm gần đây. Năm 2021, hai nước đã ký thỏa thuận 25 năm về hợp tác kinh tế, quân sự, năng lượng và an ninh.

Tháng 2 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đón tiếp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ở Bắc Kinh và hai đối tác chiến lược đã ký tới 20 văn kiện hợp tác về thương mại, nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng. Ông Tập cũng đã gặp người đồng cấp Raisi vào tuần trước tại Johannesburg, khi cả hai nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS và hoan nghênh Iran với tư cách là thành viên mới của khối.

Trong thập kỷ qua, hải quân Trung Quốc thường xuyên tham gia các cuộc tập trận quân sự cùng đối tác Iran. Năm 2014, Bandar Abbas đã đón tiếp một tàu khu trục và tàu hộ vệ của Trung Quốc tham gia cuộc tập trận chung đầu tiên. Hồi tháng 3 năm nay, Iran, Trung Quốc và Nga cũng đã tiến hành cuộc tập trận chung ngoài khơi cảng Chabahar ở tỉnh Sistan và Baluchistan phía nam Iran.