Thế giới sắp thiếu hụt trầm trọng 1 mặt hàng, giá sẽ tăng cao chót vót, tất cả phụ thuộc vào kết quả cuộc chạy đua giữa các siêu cường

Admin

Đến năm 2030, nhu cầu về đồng và nickel của thế giới có thể tăng 50-70%, colbalt và neodymium tăng 150%, graphite và lithium tăng 6-7 lần.

Thế giới sắp thiếu hụt trầm trọng 1 mặt hàng, giá sẽ tăng cao chót vót, tất cả phụ thuộc vào kết quả cuộc chạy đua giữa các siêu cường - Ảnh 1.

Nhu cầu tăng vọt

Trên thế giới này, ai cũng muốn có nhiều kim loại hơn. Nước Anh vừa ký thỏa thuận với Zambia. Nhật Bản hợp tác với Namibia và EU vừa bắt tay với Chile, đồng thời bắt đầu đàm phán với Cộng hòa dân chủ Congo. Mỹ để ý tới Mông Cổ. Tất cả những nỗ lực này hướng tới 1 mục tiêu duy nhất: chiếm lấy những khoáng sản rất cần thiết để có thể đẩy nhanh quá trình khử carbon.

72 quốc gia chiếm 80% lượng khí thải trên toàn cầu đã ký vào cam kết hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng xuống mức 0. Theo Ủy ban chuyển đổi năng lượng ETC, 1 think-tank, để đạt được các mục tiêu đã đề ra, đến năm 2050 nhóm này cần đến công suất điện gió gấp 15 lần so với hiện tại, điện mặt trời cao gấp 25 lần và số xe điện phải tăng 60 lần. Đến năm 2030, nhu cầu về đồng và nickel của thế giới có thể tăng 50-70%, colbalt và neodymium tăng 150%, graphite và lithium tăng 6-7 lần.

Theo Cơ quan năng lượng quốc tế IEA, 1 thế giới đạt được trạng thái trung hòa carbon vào năm 2050 sẽ cần đến 35 triệu tấn green metal – những kim loại có dấu chân carbon thấp hoặc được sử dụng trong quá trình chuyển đổi sang những nguồn năng lượng sạch hơn, được ứng dụng rộng rãi trong pin xe điện, các turbine gió và tấm pin năng lượng mặt trời. Nếu tính cả nhôm và thép, ETC đưa ra con số ước tính lên đến 6,5 tỷ tấn.

Do đó, giới phân tích và các nhà hoạch định chính sách đang lo ngại đến cuối thập kỷ này thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng. ETC dự báo đến năm 2030, khoảng 10-15% nhu cầu về đồng và nickel của thế giới sẽ không được đáp ứng.

Khi nguồn cung thiếu hụt đẩy giá lên cao, các nhà sản xuất sẽ phải tìm đủ mọi cách để tăng sản lượng trong khi người tiêu dùng buộc phải sử dụng các kim loại hiếm một cách hiệu quả hơn hoặc tìm ra những lựa chọn thay thế có giá rẻ hơn.

Chúng ta nên làm gì?

Thậm chí trong kịch bản tồi tệ nhất, tình trạng thiếu hụt nếu quá nghiêm trọng có thể “giết chết” công cuộc chuyển đổi xanh. Do đó, câu hỏi đặt ra là ở thời điểm hiện tại, chúng ta nên làm gì để hạn chế tối đa tình trạng thiếu hụt?

Hiện nay có 3 kim loại đang được sử dụng nhiều nhất: nhôm và thép là “xương sống” của các tấm pin năng lượng mặt trời và turbine gió, trong khi đồng có ở mọi thứ từ những sợi dây cáp cho đến ô tô.

Sau đó là những kim loại làm ra những cục pin cung cấp năng lượng cho xe điện: cobalt, lithium, nickel, graphite. Ngoại trừ nickel (cũng là một trong những nguyên liệu để làm ra thép không rỉ), tất cả đều có phạm vi ứng dụng khá hẹp. Nhóm cuối cùng là những nguyên tố đất hiếm như neodymium.

Cách nhanh nhất là tái sử dụng nhiều hơn, mà dễ nhất là nhôm, đồng và nickel. Hiện những kim loại này đã được tái chế rộng rãi, nhưng mức giá bị đẩy lên sẽ khuyến khích dòng vốn đầu tư vào ngành tài chế vốn bị phân mảnh và không mấy hấp dẫn.

Một số công ty đã bắt đầu hành động. BHP hậu thuẫn cho 1 công ty khởi nghiệp tái chế nickel ở Tanzania. Theo chuyên gia kinh tế trưởng Huw McKay của BHP, đồng tái chế có thể chiếm 50% tổng nguồn cung đồng trong thập kỷ tới (hiện chiếm 35%). Rio Tinto đang đầu tư vào các trung tâm tái chế nhôm. Trong năm ngoái các startup tập trung vào tái chế pin đã huy động được số vốn kỷ lục 500 triệu USD.

Mở lại mỏ cũ, xây mỏ mới

Một cách khác là khởi động lại những mỏ đang tạm ngừng khai thác. Đối với đồng và nickel đây không phải là lựa chọn khả thi nhưng nhôm là trường hợp đặc biệt phù hợp. Kể từ tháng 12/2021, ở châu Âu, giá năng lượng tăng cao đã khiến các mỏ luyện nhôm chiếm 2% tổng sản lượng của thế giới phải đóng cửa. Nếu giá nhôm tăng 25%, nhiều nhà máy sẽ mở cửa trở lại.

Niềm hi vọng lớn nhất nằm ở những công nghệ đột phá. Ví dụ, ở Indonesia, nước sản xuất nickel lớn nhất thế giới, các công ty khai khoáng đang sử dụng công nghệ HPAL để biến quặng chất lượng thấp thành những nguyên liệu phù hợp với xe điện. Tuy nhiên, những công nghệ này chưa ổn định và trong một số trường hợp sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Tất cả những yếu tố nói trên khiến việc tìm ra nguồn cung mới chỉ có thể là giải pháp mang tính dài hạn. Trước mắt, thế giới đang tìm cách thay thế. Ví dụ, hợp chất nmc11 (gồm nickel, mangan, cobalt) đang được thay thế bằng nmc 721 và 821 chứa nhiều nickel hơn nhưng ít cobalt hơn.

Chuyện của tương lai

Rất có thể trong tương lai thị hiếu của người tiêu dùng cũng thay đổi và khiến nhu cầu về những kim loại này thay đổi. Ngày nay mọi người đều muốn chiếc xe điện chạy được 600km sau 1 lần sạc, nhưng thực ra rất ít người thực sự cần phải đi quãng đường xa như vậy. Khi lithium khan hiếm hơn, các nhà sản xuất ô tô có thể thiết kế những chiếc xe đi được quãng đường ngắn hơn, giúp giảm giá thành sản phẩm.

Đến cuối những năm 2030, thế giới có thể có đủ sản lượng từ các mỏ mới và nguồn tái chế. Nhưng đừng quên rằng nguồn cung hiện chỉ tập trung ở một vài quốc gia. Bất ổn tại địa phương, xung đột địa chính trị hay thậm chí là thời tiết xấu cũng có thể khiến thị trường bị gián đoạn. Nghiên cứu của Liberum Capital chỉ ra rằng 1 vụ biểu tình của công nhân mỏ ở Peru hay 3 tháng hạn hán ở Indonesia cũng có thể khiến nguồn cung trên thị trường đồng hoặc nickel thiếu hụt 5-15% so với nhu cầu.

Tham khảo The Economist