Dầu vượt mức đỉnh hồi tháng 4 do nguồn cung khan hiếm
Giá dầu đóng cửa tăng, dầu thô Brent vượt 84 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 4 bởi nguồn cung khan hiếm sau việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ và lạc quan mới về triển vọng nhu cầu của Trung Quốc và tăng trưởng toàn cầu.
Dầu thô đã có 4 tuần tăng liên tiếp do nguồn cung thắt chặt như dự kiến vì việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ cũng như một số sụt giảm không tình nguyện.
Chốt phiên 27/7, dầu thô Brent tăng 1,32 USD hay 1,6% lên 84,35 USD/thùng trong khi dầu WTI tăng 1,31 USD hay 1,7% lên 80,09. Tuy nhiên, giá dầu đã giảm trong phiên liền trước.
Nhu cầu tài sản rủi ro trên các thị trường tài chính đang được thúc đẩy bởi dự đoán các ngân hàng trung ương như Fed sắp kết thúc các chiến dịch thắt chặt chính sách, điều này sẽ thúc đẩy triển vọng tăng trưởng toàn cầu và nhu cầu năng lượng. Kinh tế Mỹ tăng 2,4%, nhiều hơn dự kiến trong quý 2.
Trong ngày 27/7 Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã tăng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp.
Vàng thấp nhất hai tuần
Giá vàng giảm hơn 1% xuống mức thấp nhất hai tuần bởi USD mạnh sau khi số liệu kinh tế của Mỹ tốt hơn dự kiến.
Vàng giao ngay giảm 1,2% xuống 1.948,69 USD/ounce, thấp nhất kể từ ngày 12/7. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 đóng cửa giảm 1,2% xuống 1.945,7 USD/ounce.
Số liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng nhanh hơn dự kiến trong quý 2 do sự phục hồi của thị trường lao động củng cố chi tiêu tiêu dùng.
Sau số liệu này, chỉ số USD tăng 0,8% so với các đối thủ, khiến vàng đắt hơn cho người mua bằng các ngoại tệ khác.
Đồng giảm
Giá đồng giảm sau khi số liệu của Mỹ mạnh mẽ khiến các nhà đầu tư lo lắng liệu lãi suất đã đạt đỉnh như kỳ vọng chưa, trong khi những lo ngại về nhu cầu mờ nhạt ở Trung Quốc vẫn kéo dài.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 0,6% xuống 8.563,5 USD/tấn sau khi tăng nhẹ trước đó.
Đồng Comex tại Mỹ giảm 0,7% xuống 3,88 USD/lb.
Kinh tế Mỹ tăng nhanh hơn so với dự kiến trong quý 2 trong khi các đơn hàng mới đối với tư liệu sản xuất chính của Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 6 đẩy chỉ số USD tăng. USD mạnh khiến các hàng hóa định giá bằng đồng tiền này đắt hơn cho người mua sử dụng các ngoại tệ khác.
Cũng gây áp lực lên kim loại là số liệu yếu kém hơn từ Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới, với các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa công bố chi tiết thêm về các biện pháp kích thích để thực hiện cam kết gần đây.
Lợi nhuận ngành công nghiệp của Trung Quốc tiếp tục chuỗi sụt giảm hai con số trong năm nay do nhu cầu suy yếu đã ảnh hưởng tới lợi nhuận.
Quặng sắt giảm
Giá quặng sắt giảm, với quặng sắt Đại Liên thoái lui sau ba ngày tăng bởi cam kết của Trung Quốc tăng cường hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, do các nhà đầu tư tìm kiếm chi tiết các biện pháp chính sách và hành động hơn nữa.
Triển vọng nguồn cung thành phần sản xuất thép tăng cũng gây áp lực lên giá khi dự báo các công ty khai mỏ xuất khẩu nhiều hơn trong năm tài chính 2024, cộng thêm việc tăng cường giao hàng của các công ty cùng ngành Rio Tinto và BHP Group.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 1,9% xuống 848,5 CNY (118,82 USD)/tấn.
Tại Singapore, quặng sắt giao tháng 8 giảm 2,3% xuống 112,3 USD/tấn.
Rio, nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới lạc quan một cách thận trọng về nền kinh tế của Trung Quốc từ nay đến cuối năm.
Bổ sung thêm tâm lý thận trọng là miền nam Trung Quốc đang chuẩn bị đối phó với cơn bão mạnh Doksuri, dự kiến sẽ đổ bộ vào các tỉnh gồm cả trung tâm sản xuất của Quảng Đông vào cuối tuần này.
Những hạn chế chặt chẽ hơn về mặt môi trường đối với các ngành công nghiệp nặng của Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến tâm lý.
Tại Thượng Hải thép cây tăng 0,2%, thép cuộn cán nóng tăng 1% và thép không gỉ giảm 2,2%.
Cao su Nhật Bản gần mức thấp nhất hai năm
Giá cao su Nhật Bản ở đáy hai năm, áp lực bởi lợi nhuận công nghiệp yếu ở Trung Quốc và đồng JPY mạnh lên, mặc dù giá dầu mạnh và hy vọng thêm kích thích từ Bắc Kinh đã hạn chế đà giảm.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1/2024 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 1,1 JPY hay 0,55 xuống 200,4 JPY (1,43 USD)/kg. Hợp đồng này đã giảm xuống 199,4 JPY trước đó, giảm xuống dưới 200 JPY/kg lần đầu tiên trong hai năm.
Tại thượng Hải giá cao su giao tháng 9 giảm 40 CNY xuống 12.175 CNY (1.704,47 USD)/tấn.
Đồng JPY tăng 0,12% so với USD khiến các tài sản định giá bằng JPY đắt đỏ hơn cho các khách hàng nước ngoài.
Giá gạo Thái Lan, Việt Nam đạt mức cao nhất trong hơn một thập kỷ
Giá gạo xuất khẩu từ Việt Nam và Thái Lan tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ trong tuần này, do việc hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ gây lo lắng về nguồn cung mặt hàng chủ lực này.
Ấn Độ, nước chiếm 40% xuất khẩu gạo thế giới đã yêu cầu dừng hạng mục xuất khẩu gạo lớn nhất trong tuần này để làm dịu giá trong nước, vốn đã leo thang lên mức cao nhất trong nhiều năm trong những tuần gần đây do thời tiết thất thường đe dọa sản lượng.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên 550 – 574 USD/tấn – cao nhất kể từ năm 2011, từ mức 515 – 525 USD/tấn một tuần trước. Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết các nhà xuất khẩu đang dự đoán giá sẽ tăng hơn nữa sau động thái hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ, do đó rất rủi ro nếu ký hợp đồng xuất khẩu mới vào lúc này.
Gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên mức đỉnh 11 năm tại 605 – 610 USD/tấn so với mức 545 USD/tấn trong tuần trước.
Lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng đã đẩy giá gạo đồ lên mức cao nhất trong 5,5 năm tại 445 – 450 USD/tấn so với 421 – 428 USD một tuần trước mặc dù nhu cầu đã dịu đi.
Ấn Độ đã áp dụng lệnh cấm này sau khi giá gạo bán lẻ tăng 3% trong một tháng sau khi những cơn mưa gió mùa muộn nhưng nặng hạt khiến cây trồng thiệt hại đáng kể.
Cà phê trái chiều
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 đóng cửa tăng 34 USD hay 1,3% lên 2.673 USD/tấn.
Nguy cơ lũ lụt có thể ảnh hưởng tới sự phát triển cà phê khắp Tây Nguyên trong 10 ngày tới.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 giảm 1,7 US cent hay 1% xuống 1,6145 USD/lb.
Giao dịch cà phê tại Việt Nam tiếp tục trầm lắng do kho dự trữ rỗng, trong khi giá tại Indonesia giảm nhẹ trong tuần này khi tình hình trở nên ổn định hơn.
Nông dân tại Tây Nguyên đã bán cà phê ở mức 66.200 – 67.100 đồng (2,8 – 2,84 USD)/kg so với mức 64.800 – 65.600 đồng một tuần trước.
Một lái thương cho biết hiện nay cà phê rất khan hiếm chỉ đủ cho các nhà rang xay trong nước. Các nhà xuất khẩu không thể mua hiện nay. Nhưng giá là rất cao. Một số nhà rang xay đã phải mua ở mức giá hơn 70.000 đồng/kg.
Một lái thương khác cho biết các thương nhân bắt đầu chào bán 56.000 đồng/kg đối với cà phê vụ mới 2023/24 giao trong tháng 12.
Tại Indonesia, cà phê robusta Sumatra được chào bán ở mức cộng 500 USD so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9 tại London trong tuần này, giảm từ mức cộng 530 USD trong tuần trước bởi tình hình hiện nay ổn định hơn.
Đường tăng
Đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa tăng 0,04 US cent hay 0,2% lên 24,43 US cent/lb sau khi lên mức cao nhất kể từ ngày 22/6 tại 25,3 US cent.
Các đại lý cho biết thị trường này vẫn đang củng cố, giao dịch trong phạm vi hẹp gần đây.
Sản lượng đường khu vực trung nam của Brazil trong niên vụ 2023/24 được thấy ở mức 38,3 triệu tấn, tăng 13,9% so với một năm trước.
Đường trắng kỳ hạn tháng 10 thay đổi ít tại 686,5 USD/tấn.
Lúa mì, đậu tương giảm
Giá đậu tương và ngũ cốc Chicago quay đầu giảm do các nhà đầu tư bắt đầu giảm rủi ro trong bối cảnh những dấu hiệu thời tiết nóng tại Midwest trong tuần này có thể tồn tại trong một thời gian ngắn.
Đậu tương và ngô có phiên giao dịch biến động do USD trở lại tăng.
Đậu trương giảm mạnh khi các nhà đầu tư lờ đi một báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Lúa mì cũng đối mặt với phiên giao dịch biến động khi các nhà đầu tư chờ đợi để có một cái nhìn rõ ràng hơn về xuất khẩu ngũ cốc toàn cầu ra khỏi biển đen.
Lúa mì CBOT đóng cửa giảm 7-1/4 US cent xuống 7,12-3/4 USD/bushel.
Ngô giảm 6 US cent xuống 5,42-1/4 USD/bushel và đậu tương giảm 22 US cent xuống 13,98 USD/bushel.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 28/7