Thỏa thuận ngũ cốc biển Đen sụp đổ, Trung Quốc gặp sức ép?

Admin

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 4-8 dỡ bỏ thuế quan áp đặt lên lúa mạch nhập khẩu của Úc. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 5-8.

Trước đó, hồi tháng 4 qua, Úc đồng ý tạm đình chỉ vụ kiện Bắc Kinh tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), liên quan đến quyết định áp thuế 80,5% đối với lúa mạch Úc vào năm 2020. Theo đài CNBC, bước đi này mở đường cho Bắc Kinh đẩy nhanh xem xét quyết định thuế quan nói trên.

Bắc Kinh có biện pháp trên từ giữa năm 2020 sau khi căng thẳng thương mại giữa hai nước lên đến đỉnh điểm. Ngoài lúa mạch, Bắc Kinh còn áp thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Úc, trong đó có thịt đỏ, tôm hùm, gỗ...

Đến tháng 1-2023, Trung Quốc nối lại nhập khẩu than từ Úc. Giới chức Úc đã hoan nghênh quyết định trên của Trung Quốc, đồng thời cho biết Canberra sẽ ngừng vụ kiện tại WTO. Họ cũng hy vọng Bắc Kinh tiến tới dỡ bỏ tất cả hạn chế thương mại song phương.

Thỏa thuận ngũ cốc biển Đen sụp đổ, Trung Quốc gặp sức ép? - Ảnh 1.

Một tàu chở ngũ cốc trong khuôn khổ “Sáng kiến Ngũ cốc biển Đen” ở ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15-7Ảnh: Reuters

Diễn biến trên không chỉ giúp cải thiện quan hệ Trung Quốc - Úc mà còn có thể mở đường cho một nguồn lúa mạch khác nhập khẩu vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, từ đó giảm bớt lo ngại về lạm phát giá lương thực sau khi Nga rút khỏi "Sáng kiến Ngũ cốc biển Đen" hôm 17-7.

Sau gần 1 năm thực thi, sáng kiến này giúp thiết lập một hành lang nhân đạo trên biển Đen, cho phép hơn 1.000 tàu chở gần 33 triệu tấn lúa mì, lúa mạch, ngô và bột hướng dương của Ukraine đi qua. Trong số này, Trung Quốc tiếp nhận 8 triệu tấn nông sản các loại, theo dữ liệu được Liên Hiệp Quốc (LHQ) công bố hôm 3-8.

Theo đài CNBC, Mỹ và các đồng minh phương Tây giờ đây trông chờ Trung Quốc để tìm cách giải quyết tác động của việc Nga rút khỏi thỏa thuận được LHQ hậu thuẫn nói trên.

Ông David Riedel, nhà sáng lập Công ty Nghiên cứu độc lập Riedel Research Group (Mỹ) cho rằng Trung Quốc là nước mua ngũ cốc lớn nhất của Ukraine nên khi "Sáng kiến Ngũ cốc biển Đen" đổ vỡ, áp lực lên Bắc Kinh sẽ rất lớn, xét về mặt lạm phát giá lương thực.

Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Zhang Jun hôm 3-8 nhận định thỏa thuận ngũ cốc có tác động tích cực đến việc duy trì an ninh lương thực toàn cầu và kêu gọi lập tức nối lại hoạt động xuất khẩu nông sản của Ukraine cũng như phân bón của Nga.

"Trung Quốc hy vọng tất cả các bên liên quan sẽ tăng cường đối thoại, tham vấn và thỏa hiệp với nhau" - ông Zhang nói tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ. Cũng tại cuộc họp này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết giá ngũ cốc trên thế giới đã tăng hơn 8% kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận.