Thủ tướng quán triệt 6 yêu cầu khi tháo gỡ dự án cao tốc vùng ĐBSCL

Admin

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động, quyết liệt giải quyết các nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Văn phòng Chính phủ mới ban hành Thông báo số 277 ngày 14/7/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án đường cao tốc và triển khai vốn ODA vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động, quyết liệt giải quyết các nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Cụ thể, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh, thành phố được giao làm cơ quan chủ quản dự án tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu Ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, triển khai các dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, kỹ - mỹ thuật, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Đặc biệt nghiêm túc quán triệt 6 yêu cầu: Bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn, kỹ - mỹ thuật, môi trường sinh thái; không được tăng vốn bất hợp lý; không chia nhỏ gói thầu; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí ở tất cả các khâu; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước - người dân - doanh nghiệp; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các sai phạm (nếu có).

Tiêu điểm - Thủ tướng quán triệt 6 yêu cầu khi tháo gỡ dự án cao tốc vùng ĐBSCL

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung xử lý các vướng mắc cho các dự án cao tốc vùng ĐBSCL.

Đối với các địa phương, Thủ tướng đề nghị Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo theo thẩm quyền; chính quyền vào cuộc một cách chủ động, tích cực, thường xuyên kiểm tra, vừa xây dựng kế hoạch, vừa xây dựng chương trình, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để giám sát, quản lý chất lượng, đẩy nhanh tiến độ;

Chỉ đạo các chủ đầu tư, nhất là người đứng đầu cần bám sát thực tiễn, bám sát dự án, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, bảo đảm các dự án hoàn thành đúng và vượt tiến độ; đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư để ổn định đời sống sinh kế và sản xuất của người dân tại nơi ở mới phải bằng và tốt hơn nơi ở cũ.

Các bộ, ngành liên quan phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và môi trường, Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua sớm hoàn thành các nhiệm vụ được giao về giải phóng mặt bằng, tái định cư, thẩm định các dự án thành phần...; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, vượt qua mọi thách thức để triển khai dự án, kiểm soát tiến độ.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương điều phối nguồn vật liệu cát san lấp đắp nền đường cho các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải (trong đó có các dự án tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long), tập trung đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu phương án và kết luận sớm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường, không để xảy ra tình trạng dự án chậm tiến độ do thiếu vật liệu san lấp, nghiên cứu phương án xây dựng cầu cạn làm đường cao tốc thay cho phương án xây dựng đường trên nền đất…

Đối với cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất với UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo chủ đầu tư dự án phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình Thủ tướng điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án trong tháng 7/2023.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối nguồn ngân sách trung ương để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ đối với phần kinh phí tăng thêm cho Dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Tiêu điểm - Thủ tướng quán triệt 6 yêu cầu khi tháo gỡ dự án cao tốc vùng ĐBSCL (Hình 2).

Chính phủ thống nhất sẽ sớm ban hành Nghị quyết để cho phép áp dụng tỉ lệ cho vay lại nguồn vốn ODA của Chính phủ là 10% với các dự án vùng ĐBSCL.

Đối với cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau tập trung giải quyết các vướng mắc về di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là di dời đường điện cao thế… để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư trong tháng 7/2023.

UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành của địa phương căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai ngay thủ tục giao trực tiếp mỏ vật liệu cho các nhà thầu để khai thác theo đúng quy định của pháp luật, không để phát sinh các thủ tục hành chính, không làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. 

UBND tỉnh Vĩnh Long làm thủ tục giao 2 mỏ vật liệu để các nhà thầu triển khai thủ tục trong tháng 7/2023 và ưu tiên giao các mỏ còn lại cho nhà thầu thi công dự án được khai thác, bảo đảm cung cấp đủ 5 triệu m3 cát san lấp trong năm 2023; UBND tỉnh An Giang sớm xem xét có phương án ngay, cụ thể cung cấp phần khối lượng còn lại của năm 2024, bảo đảm đủ khối lượng cát san lấp cho Dự án.

Còn đối với Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng bám sát tiến độ để thực hiện công việc liên quan theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý III năm 2023 (chậm nhất trước ngày 31/12/2023).

UBND Tp.Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang làm việc ngay với UBND tỉnh An Giang để xác định cụ thể đủ nguồn cát san lấp đắp nền đường cho dự án thành phần 2 và dự án thành phần 3, hoàn thành thủ tục khai thác trong quý III/2023.