Thủy sản Việt thiệt hại 500 triệu USD mỗi năm nếu bị áp ‘thẻ đỏ’

Admin

Dự kiến tháng 10, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tiến hành đánh giá lần thứ 4 về thực hiện các biện pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của Việt Nam. Đây là cuộc kiểm tra quyết định thủy sản Việt Nam có gỡ được "thẻ vàng” sau 6 năm bị cảnh báo. Trường hợp bị áp "thẻ đỏ", thiệt hại sẽ rất nặng nề.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, thẻ vàng IUU của EC đã khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này sụt giảm liên tục từ năm 2017 đến nay. Sau 2 năm chịu tác động từ thẻ vàng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD.

Xu hướng giảm này tiếp tục kéo dài hơn nữa vào năm 2020, đặc biệt do tác động bởi dịch Covid-19, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm 5,7% so với năm 2019, chỉ đạt 959 triệu USD.

Đến năm 2022, tức sau 5 năm, tỷ trọng xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU đã giảm còn 9,4%. Kể từ năm 2019, EU đã tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.

Thủy sản Việt thiệt hại 500 triệu USD mỗi năm nếu bị áp ‘thẻ đỏ’ - Ảnh 1.

Nếu bị áp thẻ đỏ, thủy sản Việt Nam sẽ chịu thiệt hại nặng.

Nếu bị áp thẻ đỏ, thiệt hại xuất khẩu riêng sang EU có thể lên tới 518 triệu USD.

Về lâu dài, nếu thẻ đỏ kéo dài từ 2-3 năm, toàn bộ ngành sẽ bị ảnh hưởng. Cụ thể, ngành khai thác và chế biến hải sản khai thác sẽ giảm ít nhất 30% so với công suất hiện tại, dẫn đến giảm giá trị xuất khẩu, ảnh hưởng việc làm và việc xóa đói giảm nghèo.

"Không chỉ mất thị phần, nếu bị áp thẻ đỏ còn ảnh hưởng đến hoạt động của 60 nhà máy đang tham gia xuất khẩu vào thị trường EU cũng như những ngư dân làm ăn chân chính, đồng thời ảnh hưởng đến nỗ lực xây dựng nghề cá hiện đại của quốc gia.

Hiện, một số quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản cũng đã có những quy định tương tự về chống IUU và có thể áp dụng những biện pháp tương tự đối với mặt hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam", VASEP cho hay.

Thủy sản Việt thiệt hại 500 triệu USD mỗi năm nếu bị áp ‘thẻ đỏ’ - Ảnh 2.

Bộ NN&PTNT đề nghị từ nay đến thời điểm EC sang kiểm tra cần chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển ở nước ngoài.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), dự kiến tháng 10, Đoàn thanh tra của EC sẽ sang kiểm tra lần thứ 4 của Việt Nam. Đây cũng là thời điểm quyết định EC có gỡ cảnh báo với thủy sản khai thác của Việt Nam. Hiện, rất nhiều công việc còn ngổn ngang.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, từ nay đến tháng 10, trước khi Đoàn Thanh tra của EC sang kiểm tra lần thứ 4 về IUU, cần hoàn thiện dứt điểm hai văn bản quy phạm pháp luật là Nghị định số 26 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 42 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Với 28 tỉnh, thành phố cần có số liệu cụ thể của từng tỉnh về việc lắp đặt hay ngắt kết nối thiết bị VMS; từ đó có những biện pháp mạnh tay để xử lý vi phạm.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; nghiêm cấm các hành vi hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng xuất khẩu, đặc biệt chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài…

“Chúng ta cần phải nghiêm túc xử lý, để lúc EC sang thanh tra họ thấy rằng Việt Nam đã thực sự cầu thị, thực sự hành động”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.