Trào lưu nuôi thú cưng ở người trẻ và những hệ lụy
Thời gian gần đây, bệnh dại từ chó, mèo lây sang người gia tăng đột biến ở nhiều tỉnh, thành phố.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 8 tháng của năm 2024, cả nước ghi nhận 60 trường hợp tử vong do bệnh dại. Riêng năm 2023 đã có gần 700.000 người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng, 82 người tử vong vì bệnh dại, tăng 12 trường hợp so với năm 2022.
Không chỉ bệnh dại, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 20.000 người nhiễm bệnh ấu trùng giun đũa chó, mèo được phát hiện và điều trị ở tất cả các tỉnh, thành phố. Đây cũng là bệnh ký sinh trùng mới nổi trong những năm gần đây do thói quen nuôi thú cưng tăng lên ở giới trẻ. Bệnh gây ra các tổn thương ở gan, ở não, ở lách, thận và gây ra hiện tượng miễn dịch dị ứng, ngứa, nổi mẩn kéo dài.
Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng trung ương cho biết, các ca bệnh nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo đang gia tăng có nguyên nhân do nuôi thú cưng, thường xuyên ôm ấp thú cưng. Thậm chí, khi ôm ấp, ngủ cùng thú cưng, người nuôi dễ nuốt phải trứng giun đũa chó mèo. Khi thâm nhập vào cơ thể, trứng giun đũa chó mèo phát triển thành ấu trùng và di chuyển khắp cơ thể người. Trong đó, bộ phận dễ gặp ấu trùng là gan và gây ra những tổn thương, những ổ áp xe hay ấu trùng có thể đi vào tim, phổi, não… Mức độ tổn thương cùng với các triệu chứng tùy thuộc vào số lượng ấu trùng xâm nhập vào cơ thể.
Để phòng tránh lây nhiễm bệnh từ vật nuôi, các chuyên gia y tế lưu ý, luôn rửa sạch tay, đặc biệt là sau khi chơi với vật nuôi, cầm nắm thức ăn của chúng hoặc sau khi cọ rửa chuồng thú cưng.
Ngoài ra, khi cọ rửa hoặc dọn chất thải của vật nuôi, nên mang găng tay. Không cho vật nuôi chơi ở gần khu vực chế biến thức ăn; không nhận nuôi những vật nuôi hoang dã, không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, nên tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi; tẩy giun sán định kỳ cho chó mèo.
Mặt khác, không nên ăn, ngủ chung, ôm hôn chó, mèo. Những gia đình có trẻ nhỏ nên tạm dừng nuôi chó, mèo vì trẻ thường hay lê la, đưa vào miệng những vật dụng trên nền nhà. Thậm chí, tuyệt đối không cho trẻ ôm, hôn chó, mèo, nhất là phần đuôi của chó, mèo. Bởi vì đuôi và lông là khu vực dính nhiều chất thải kèm theo trứng giun, do đó, trẻ dễ nhiễm bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo.
Thoát vị đĩa đệm do những thói quen bạn ít ngờ đến
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Bảo Thoa, Trung tâm Cơ xương khớp - Bệnh viện Bạch Mai, thoát vị đĩa đệm thường xảy ra với những người ở độ tuổi từ 30-50. Theo thời gian, cơ thể sẽ dần bị lão hóa và vòng sụn bên ngoài sẽ bị xơ hóa khiến phần nhân nhầy của đĩa đệm khô, không còn đàn hồi. Điều này dẫn đến tình trạng bị thoát vị vào trong ống sống gây chèn ép dây thần kinh. Tình trạng này có thể khiến rách vòng xơ đĩa đệm và nhân nhầy thoát qua phần rách, chui ra phía sau chèn ép vào dây thần kinh gây ra các cơn đau.
Bên cạnh đó còn có một số thói quen khiến bạn bị thoát vị đĩa đệm như:
- Tập luyện thể dục thể thao sai tư thế nhất là với những người tập yoga, gym… khi thực hiện những động tác khó gây tổn thương cho phần cột sống.
- Người thừa cân, béo phì khiến tải trọng dồn lên xương khớp cũng như các đốt sống tăng lên.
Sai lầm khi giải rượu nhiều người mắc phải
Theo ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, sau uống rượu bia, nhiều người áp dụng các biện pháp giải rượu bia sai lầm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Dưới đây là những sai lầm khi giải rượu nhiều người mắc phải.
Xông hơi sau mỗi cuộc nhậu là thói quen của nhiều quý ông. Bên cạnh việc thư giãn, nhiều người cho rằng, xông hơi còn giúp giải rượu vì cồn trong cơ thể sẽ thoát ra ngoài thông qua đường mồ hôi.
Cách giải rượu này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thức uống có cồn như bia, rượu tác động mạnh mẽ đến hệ tuần hoàn, đặc biệt làm co mạch ngoại biên và giãn mạch trung tâm.
Cồn còn có khả năng làm giảm khả năng đông máu, tạo điều kiện cho các tình trạng vỡ mạch máu diễn ra trong não bộ. Điều này có thể dẫn tới tai biến, vỡ mạch máu não, chèn ép sọ não dẫn đến tử vong.
Sau khi sử dụng rượu bia, không nên xông hơi vì những phản ứng tiêu cực mà biện pháp này mang lại. Thay vào đó, nên nghỉ ngơi, tránh hoạt động thể chất mạnh để đảm bảo an toàn.
Uống nhiều nước về nguyên tắc giúp tăng cường bài tiết nước tiểu, qua đó chất cồn cũng được đào thải ra bên ngoài cơ thể. Tuy nhiên, việc cố gắng uống thật nhiều nước để mong hết nồng độ cồn nhanh là lợi bất cập hại.
Cụ thể, khi ethanol (cồn) được hấp thu vào cơ thể, chỉ khoảng 5-10% được bài tiết qua mồ hôi, hơi thở và nước tiểu; 90-95% lượng ethanol còn lại được chuyển đến gan để xử lý.
Do đó, lượng cồn bài tiết qua đường nước tiểu là không quá đáng kể, trong khi đó uống quá nhiều nước lại dẫn đến tình trạng rối loạn điện giải.
Một trong những tình trạng hay gặp phải khi uống rượu bia là mất điện giải (hay gọi là mất muối). Việc uống thêm thật nhiều nước càng làm lượng điện giải trong cơ thể bị hòa loãng khiến tình trạng này trầm trọng hơn.
Trong trường hợp này, phương pháp bù nước, bù muối hiệu quả và dễ thực hiện ngay tại nhà chính là uống nước hoa quả, uống nước chanh pha muối, nước oresol, nước khoáng có muối.
Điều cần đặc biệt lưu ý là uống vào phải ăn, đặc biệt thức ăn giàu năng lượng nguồn gốc từ tinh bột để tránh hạ đường huyết như cơm, cháo.
Nhiều cánh mày râu có thói quen uống bia rượu vào buổi trưa, chiều tối lại đi tập thể dục thể thao, điển hình như chạy bộ, tennis, cầu lông, đá bóng.
Họ cho rằng vận động sẽ giúp cơ thể đổ mồ hôi, lượng cồn trong cơ thể dễ dàng bài tiết ra ngoài. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ cực kỳ nguy hiểm.
Tập luyện thể dục khi trong người có cồn sẽ gây áp lực rất lớn lên tim và các mạch máu. Điều này rất dễ dẫn tới tình trạng vỡ mạch máu não, gây xuất huyết não hoặc đột quỵ.
Do đó, sau khi uống rượu, bia, tuyệt đối không được tập luyện thể dục mạnh, kể cả chạy bộ. Chúng ta cần nghỉ ngơi, cơ thể tự đào thải cồn tự nhiên là an toàn nhất.
T.M (tổng hợp)