Gia tăng trẻ mắc virus hợp bào hô hấp
Thời điểm giao mùa là thời gian lý tưởng để virus hợp bào hô hấp (RSV) phát triển mạnh. Virus này gây bệnh đường hô hấp dưới và viêm phổi ở trẻ với khả năng lây lan mạnh.
Tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, trong vòng 1 tháng qua, số lượng trẻ nhập viện vì mắc viêm phổi do virus RSV có xu hướng gia tăng nhanh chóng, chỉ tính riêng trong nửa cuối tháng 9, tỷ lệ bệnh nhi nhập viện vì mắc bệnh lý này đã tăng lên gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Còn tại Bệnh viện Nhi trung ương, số ca bệnh hô hấp, truyền nhiễm nói chung và virus RSV nói riêng đang có dấu hiệu tăng nhanh trong những ngày gần đây. TS.BS Đặng Thị Thuý – Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương) thông tin, thời điểm này, tại khoa Nhi của bệnh viện đã tiếp nhận rất nhiều trẻ tới khám và nhập viện do nhiễm các mầm bệnh khác nhau. Trẻ bị nhiễm virus RSV nhập viện nhiều trong những ngày qua, đặc biệt độ tuổi dưới 2 tuổi.
PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh - Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết: RSV là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi. Bệnh phát triển mạnh vào mùa đông – xuân, xuân – hè. Khi trẻ nhiễm virus RSV, triệu chứng khởi phát ban đầu thường là ho khan, hắt hơi, sổ mũi và có thể sốt nhẹ tới cao. Các triệu chứng này rất dễ bị nhầm lẫn với nhiễm cúm hay các loại virus khác. Đến giai đoạn toàn phát, trẻ có dấu hiệu khò khè, ho nhiều, thở nhanh. Đối với trẻ sơ sinh có thể có các dấu hiệu nặng như sốt cao khó hạ, tím tái, rút lõm lồng ngực, trẻ kích thích quấy khóc hoặc có cơn ngừng thở. Đối với những trẻ có bệnh lý nền như trẻ bị tim bẩm sinh, trẻ sinh non, trẻ suy dinh dưỡng… bệnh có xu hướng tiến triển nặng hơn. Bệnh thường kéo dài trong vài ngày, nếu trẻ có nền sức khỏe tốt, và được chăm sóc đúng cách, bệnh sẽ không quá đáng ngại và tự khỏi sau 3 – 5 ngày. Tuy nhiên, cha mẹ cần căn cứ theo tình trạng bệnh của từng trẻ để quyết định cho trẻ điều trị ở nhà hay nhập viện.
Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, virus RSV có thể tồn tại trên bề mặt của các đồ vật cứng tới hơn 6 tiếng, sống trên quần áo và bàn tay cho tới 1 giờ. Một người sau khi bị nhiễm virus có thể sau 2 – 8 ngày mới biểu hiện triệu chứng. Hiện nay, chưa có vaccine phòng ngừa virus hợp bào hô hấp. Tuy nhiên, cha mẹ có thể chủ động phòng tránh giảm nguy cơ nhiễm hoặc lây nhiễm RSV cho trẻ, tránh bùng phát thành dịch, bằng cách cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời kéo dài đến 2 tuổi.
Nên thường xuyên rửa tay sạch sẽ, nhất là khi vừa tiếp xúc với những trường hợp có biểu hiện cảm cúm. Cho trẻ ăn dặm đầy đủ dinh dưỡng; Giữ gìn môi trường sạch sẽ, thoáng mát; Vệ sinh mũi họng, thân thể, rửa tay thường xuyên cho trẻ; Khi cho trẻ ra ngoài cần đeo khẩu trang; Tránh hôn, thơm, bắt tay trẻ; nên cho trẻ dùng riêng cốc và dụng cụ ăn uống; Không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá; Rửa sạch đồ chơi và vệ sinh các bề mặt trẻ hay chạm vào thường xuyên.
Ở những đối tượng có nguy cơ cao diễn biến bệnh nặng khi nhiễm RSV có thể tiêm dự phòng kháng thể đơn dòng mỗi tháng một lần vào mùa dịch giúp tăng cường miễn dịch chống lại virus RSV tốt hơn. Đồng thời, cần tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine được khuyến cáo theo độ tuổi, đặc biệt với trẻ nhỏ.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên tự ý sử dụng kháng sinh chữa bệnh cho con khi chưa xác định được chính xác con mắc vius RSV hay không và mức độ bệnh ra sao. Dùng kháng sinh không theo chỉ định không những không có tác dụng mà còn làm chậm quá trình điều trị, gây ra nhiều hậu quả sau này cho trẻ.
Những người có bệnh lý về tim mạch, stress có thể dẫn đến đột tử, đột quỵ khi chạy bộ
Theo ThS. BS Đoàn Dư Mạnh (Hội Bệnh mạch máu Việt Nam), Các trường hợp tử vong trên đường chạy nói riêng và chơi thể thao nói chung hầu hết liên quan vấn đề về tim mạch. Khoảng 80% các trường hợp đột tử khi chơi thể thao là người bệnh lý tim mạch từ trước. Có người biết trước bệnh lý tim mạch, nhưng chủ quan nghĩ là nhẹ. Một số người có bệnh lý nhưng chưa phát hiện vì không đi khám hoặc khám nhưng không đúng chuyên khoa.
Khi chúng ta chạy bộ, nhịp tim thay đổi, đập nhanh hơn, không kiểm soát tốt sẽ khiến nhịp tim, huyết áp tăng nhanh, xuất hiện các cơn thiếu máu lên não. Có thể sau vài phút người bệnh sẽ trở lại trạng thái bình thường nhưng đây chính là dấu hiệu dự báo cơn đột quỵ nguy hiểm sắp xảy ra.
Một số hội chứng hay bệnh lý dễ gây ngừng tim khi gắng sức như hội chứng Brugada, hội chứng WPW, bệnh cơ tim phì đại.
Những người bị hội chứng đó, có thể không hề thấy yếu tố khởi phát nhưng tự nhiên xuất hiện rối loạn nhịp tim, tim đập rất nhanh. Bình thường tim đập 70-80 lần/phút, còn khi rối loạn, nhịp tim tăng lên 300-400 lần/phút gây tụt huyết áp, ngất xỉu và có thể ngừng tim ngay sau đó.
Bên cạnh đó, hẹp, tắc nghẽn động mạch vành, rách động mạch chủ cũng là các bệnh lý nguy hiểm với người chạy bộ.
Với các trường hợp chạy đường dài, vận động viên có thể đối mặt với các tình trạng nguy hiểm khác như hạ đường huyết do mất năng lượng quá nhiều không được bù kịp. Đặc biệt việc thiếu đường cung cấp cho não và tim có thể dẫn tới tình trạng choáng và nặng nề hơn là đột quỵ não.
Người chạy cũng có thể bị cường giao cảm - chứng bệnh lành tính, tim đập nhanh, tay chân run rẩy, mặt đỏ lên khi đứng trước đám đông. Khi tức giận tiếp diễn nhiều lần và trong thời gian dài, người bệnh dễ bị cao huyết áp và có thể dẫn đến đột quỵ não.
Người chạy bộ còn dễ bị co thắt mạch vành tim dẫn tới thiếu máu cơ tim gây nhồi máu cơ tim. Tình trạng này cũng gây thiếu oxy tổ chức tim và não, thiếu oxy não, thiếu oxy cơ tim do hệ hô hấp không bù kịp. Những trường hợp nặng dẫn đến chấn thương cơ - xương - khớp.
Tập thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe là rất tốt. Tuy nhiên, cần lưu ý trước bất cứ hoạt động thể dục thể thao nào, mỗi người cần dành thời gian khởi động làm nóng cơ thể, để cơ thể có thời gian thích nghi với hoạt động gắng sức.
Trong quá trình vận động cần đặc biệt lưu ý đến các tín hiệu cảnh báo của cơ thể. Trước khi tập bất kỳ môn thể thao nào, người dân đều cần phải kiểm tra thể lực. Chúng ta có thể đến gặp bác sĩ để được tư vấn, khám sàng lọc xem có bệnh lý gì tiềm tàng không như bệnh tim, phổi.
Nhiều hệ lụy từ sử dụng thuốc lá điện tử
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm thuốc lá cướp đi sinh mạng gần 8 triệu người trên thế giới. Ở Việt Nam, các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm. Nếu không có can thiệp khẩn cấp, ước tính số tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030.
Tại Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống thuốc lá được tổ chức ngày 17/10 tại TPHCM, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - cho biết thuốc lá gây ra 28 nhóm bệnh khác nhau, đặc biệt là ung thư, các bệnh tim mạch, hô hấp…. Bên cạnh đó, thuốc lá còn gây thiệt hại về kinh tế, lao động, sản xuất.
Bên cạnh thuốc lá cũ thì thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) ngày càng được nhiều người, đặc biệt là giới trẻ sử dụng. Hiện nay, các loại thuốc lá mới được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay, được quảng cáo khá phổ biến trên mạng xã hội. Người dùng có thể dễ dàng mua các sản phẩm thuốc lá mới trên internet, mạng xã hội.
Theo chuyên gia, việc sử dụng thuốc lá điện tử dẫn đến nhiều hệ lụy như tăng nhanh tỷ lệ sử dụng, nghiện nicotine và sử dụng thuốc lá thông thường ở giới trẻ. Kèm theo đó là tăng nguy cơ tổn thương phổi cấp và chấn thương do nổ pin thuốc lá điện tử; nguy cơ lạm dụng ma túy…
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh, thuốc lá điện tử với chất nicotine tổng hợp sẽ duy trì tình trạng nghiện sử dụng thuốc lá. Ngộ độc cấp tính nicontine ở mức độ nhẹ sẽ gây cảm giác bỏng, kích ứng niêm mạc miệng, tăng tiết nước bọt, buồn nôn, đau bụng, nhợt nhạt. Ở mức độ nặng sẽ gây đau bụng, nôn, tiêu chảy nặng, đau đầu, chóng mặt, liệt cơ, lẫn lộn, hôn mê, co giật…
Đặc biệt, ngộ độc mạn tính nicontine sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của cả nam giới và nữ giới. Trong đó, đối với nam giới sẽ làm giảm hoặc mất, rối loạn cương dương; giảm tiết testosteron; giảm số lượng và chức năng tinh trùng. Đối với nữ giới sẽ khiến rối loạn kỳ kinh, tăng hormone kích thích tạo nang trứng… ảnh hưởng buồng trứng, trưởng thành noãn, giảm dòng máu đến vòi trứng. Đối với thai nhi sẽ khiến thai chậm phát triển, thai lưu, thai ngoài tử cung, chậm phát triển tri tuệ thai, tăng nguy cơ hen ở con sinh ra.
T.M (tổng hợp)