Tin tức Đời sống 28/10: Nguy cơ gây ngộ độc botulinum từ món ăn khoái khẩu này

Admin

Cập nhật tin tức đời sống ngày 28/10: Nguy cơ gây ngộ độc botulinum từ dưa, cà muối bảo quản không an toàn; Cảnh giác với nguy cơ đột tử khi tập thể thao quá sức...

Dưa, cà muối bảo quản không an toàn: nguy cơ gây ngộ độc botulinum? 

Dưa, cà muối là thực phẩm lên men, nếu chế biến, bảo quản không an toàn thì có thể gây ngộ độc botulinum. Chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng ngừa ngộ độc botulinum, khi ăn các thực phẩm lên men, thực phẩm đó đảm bảo phải có độ chua, mặn.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thực phẩm nhiễm vi khuẩn clostridium botulinum do quá trình chế biến không đảm bảo an toàn, sạch sẽ. Khi thực phẩm nhiễm vi khuẩn clostridium botulinum bị đóng kín (môi trường yếm khí) sẽ sản sinh ra độc tố botulinum.

Do đó, các thực phẩm không rõ nguồn gốc, chế biến thủ công, không đảm bảo vệ sinh có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn cao hơn. Người dân không thể biết thực phẩm đó có độc tố botulinum hay không bằng cảm quan bình thường.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, nhiều nguyên nhân khiến thực phẩm muối chua bị nhiễm độc botulinum. Nguyên nhân đầu tiên là đầu vào của thực phẩm không sạch, có thể thực phẩm như cá, rau, hoa quả sinh trưởng trong môi trường chứa vi khuẩn clostridium.

Người dân khi mua những loại thực phẩm này về không sơ chế sạch sẽ, sát trùng, khử khuẩn khiến thực phẩm vẫn mang theo vi khuẩn gây bệnh. Trong môi trường kín khí khi muối chua tạo điều kiện cho vi khuẩn clostridium sản sinh ra lượng lớn độc tố botulinum.

Bên cạnh đó, muối thực phẩm không đúng cách cũng làm sản sinh độc tố gây hại cho cơ thể. Thực phẩm không đạt độ chua, độ mặn làm cho vi khuẩn có hại sinh sôi. Các dấu hiệu cho thấy, thực phẩm nhiễm clostridium botulinum thường khó nhận biết. Thực phẩm không có mùi thối khó chịu, không biến đổi màu, không nhớt nên người dân khó có thể nhận biết để tránh.

"Cà muối, dưa muối hay bất kỳ loại thực phẩm muối chua nào nếu không được chế biến cẩn thận, trong môi trường kín khí đều có thể gây ra độc tố. Botulinum có độc lực mạnh hơn độc tố của các vi khuẩn khác, người ăn có thể gặp nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, độc tố botulinum là chất độc thần kinh cực mạnh, nhưng nhanh chóng bị phá hủy khi nấu chín, do đó, ngộ độc không xảy ra khi ăn thực phẩm nấu chín.

Biểu hiện của ngộ độc là sau khi ăn khoảng 12-36 giờ (có thể tới 1 tuần sau ăn), bệnh nhân biểu hiện liệt theo trình tự bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ (khó nuốt, đau họng, khó nói, khàn giọng, mắt không mở được, lan xuống hai tay (yếu tay). Sau đó, tới hai chân (yếu chân), liệt các cơ hô hấp (khò khè, ứ đọng đờm rãi ở họng, khó thở).

Đặc biệt, bệnh nhân không có rối loạn cảm giác và vẫn tỉnh táo (do độc tố không tác động lên não). Tiêu hóa có thể gặp buồn nôn, nôn, đau bụng, giảm nhu động ruột. Liệt nặng có thể gây suy hô hấp, là nguyên nhân tử vong. Trường hợp liệt hoàn toàn, nhiều bệnh nhân co giãn đồng tử, nên giống như hôn mê sâu, mất não mặc dù vẫn tỉnh và biết xung quanh. Trường hợp nhẹ có thể chỉ yếu mỏi các cơ giống như suy nhược, không thực hiện được các động tác gắng sức.

Khả năng ngộ độc botulinum nếu ăn thực phẩm để lâu ngày không nấu chín như đồ hộp, thực phẩm bảo quản trong hũ kín hay túi plastic, thực phẩm ngâm dầu, thực phẩm muối/ủ chua là rất lớn.

Cảnh giác với nguy cơ đột tử khi tập thể thao quá sức

Nhiều nghiên cứu cho thấy tập thể dục quá sức dễ dẫn đến ngừng tim đột ngột hoặc đột tử do tim ở những người mắc bệnh tim tiềm ẩn. Ngoài ra, gắng sức cũng làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim, đặc biệt là đối với bệnh nhân cơ tim phì đại hoặc bệnh mạch vành.

Theo ThS.BS.CKII Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, lối sống ít vận động làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim lên 50%.

Tin tức Đời sống 28/10: Nguy cơ gây ngộ độc botulinum từ món ăn khoái khẩu này- Ảnh 1.

Lối sống ít vận động làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim lên 50% (ảnh minh họa).

Thường xuyên tập thể dục góp phần giảm thiểu các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ và nhồi máu cơ tim, bao gồm đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, béo phì…

Ngoài ra, luyện tập đều đặn còn làm tăng cholesterol tốt (HDL-C), góp phần cải thiện chức năng nội mô động mạch vành, hạn chế xơ vữa mạch máu.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị mỗi người nên dành 150 phút tập thể dục cường độ vừa phải, chẳng hạn như đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội…, hoặc 75 phút tập luyện cường độ mạnh như chạy bộ, nâng tạ, tennis… mỗi tuần.

Tuy nhiên, nhiều người vì quá nôn nóng giảm cân, muốn nhanh chóng có thân hình săn chắc hoặc chuẩn bị tham gia một giải đấu thể thao nên lao vào tập luyện cường độ cao mà không có sự tư vấn, hướng dẫn từ chuyên gia. Điều này có thể gây ra những biến cố tim mạch gồm đau tim, rối loạn nhịp, đột tử.

Nghiên cứu cho thấy các ca tử vong liên quan đến thể thao chủ yếu là do bệnh mạch vành ở người lớn và bệnh cơ tim hoặc loạn nhịp tim ở thanh thiếu niên.

Một số bệnh lý tim khác, như viêm cơ tim, hở van tim, bệnh tim bẩm sinh hay tăng áp phổi cũng có thể góp phần gây tử vong khi đang tập luyện.

Còn theo PGS-TS.Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, khi tập luyện cường độ cao, tim đập nhanh hơn và bơm máu mạnh hơn, cần nhiều oxy hơn bình thường.

Ở những người có bệnh mạch vành do xơ vữa mạch máu, khi có stress (áp lực) lên thành mạch có thể làm bong tróc mảng xơ vữa. Mảng xơ vữa trôi trong lòng mạch, nếu dừng ở tim, não sẽ làm tắc nghẽn những mạch máu này gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Đối với những người có bệnh tim tiềm ẩn (mắc bệnh tim mạch trước đó mà không được phát hiện), vận động quá sức sẽ ảnh hưởng cơ tim, kích hoạt hệ thống điện của tim vào đúng thời điểm không mong muốn và gây ra tình trạng ngừng tim đột ngột, dẫn tới tử vong trên sàn tập.

Bên cạnh đó, nhiều người tập gym dùng steroid và các loại thuốc tăng cường hiệu suất để thúc đẩy tăng cơ. Những chất này thường có tác dụng phụ ảnh hưởng đến tim, bao gồm tăng huyết áp, tăng mỡ máu và phì đại cơ tim, tất cả đều làm tăng nguy cơ đột quỵ tim.

Sự thật về tác động của cà phê: Nghiên cứu trên 58.000 thai phụ

Viết trên The Conversation, nhóm tác giả từ Đại học Queensland (Úc) cho biết họ đã tổ chức một cuộc nghiên cứu với sự tham gia của hơn 58.000 thai phụ và đứa trẻ họ sinh ra sau đó nhằm tìm hiểu mối quan hệ thực sự giữa cà phê và thai kỳ.

Các hướng dẫn quốc tế thường khuyến cáo mọi người nên hạn chế lượng cà phê uống trong thời kỳ mang thai.

Tiêu thụ caffeine - một chất kích thích - trong khi mang thai được cho là có liên quan đến sự phát triển não bộ của em bé và có một số lập luận cho rằng nó có thể liên quan đến nguy cơ phát triển chứng tăng động - giảm chú ý (ADHD).

Nghiên cứu mới quy tụ các phụ nữ mang thai trong vòng 9 năm ở Na Uy để điều tra giả thuyết đó.

Trong cuộc khảo sát được tiến hành sau khi sinh con, các bà mẹ được yêu cầu báo cáo lượng cà phê họ uống trước và trong khi mang thai, cũng như hoàn thành bảng hỏi về đặc điểm phát triển thần kinh của con mình từ 6-8 tháng tuổi.

Các câu hỏi này bao gồm các đặc điểm liên quan đến sự khó khăn về chú ý, giao tiếp, tính linh hoạt trong hành vi, điều chỉnh hoạt động và xung động, cũng như các kỹ năng vận động và ngôn ngữ.

Các bà mẹ và con của họ cũng được yêu cầu cung cấp mẫu DNA để kiểm tra các yếu tố liên quan.

Kết quả cho thấy không có mối liên hệ nhân quả chặt chẽ nào giữa việc bà mẹ tiêu thụ nhiều cà phê hơn và những khó khăn về phát triển thần kinh ở trẻ em.

Vì vậy, các bà mẹ không nên quá băn khoăn rằng con mình sẽ bị ADHD nếu lỡ có uống hơi nhiều cà phê trong thai kỳ trước đó.

Một nghiên cứu do họ thực hiện trước đó cũng cho thấy cà phê trong thời kỳ mang thai không có tác động nhân quả mạnh mẽ đến cân nặng khi sinh, thời gian mang thai, nguy cơ sảy thai hoặc thai chết lưu.

Nhưng các kết quả khác - chẳng hạn như sức khỏe tâm thần hoặc nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ của trẻ sau này - nên được điều tra tiếp.

Mặc dù vậy, các tác giả lưu ý rằng việc tiêu thụ quá nhiều cà phê là không nên, thay vào đó, bạn chỉ nên tiêu thụ thức uống này ở mức thấp đến trung bình. Đó là không quá 200 mg caffeine mỗi ngày, tương ứng với 2-3 tách cà phê hòa tan, hoặc 1 tách espresso đậm.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Bảo Thanh Đường – Điều trị dứt điểm bệnh viêm chân tócBảo Thanh Đường – Điều trị dứt điểm bệnh viêm chân tóc
Tham khảo thêm
Nuôi con "hiền như đất" tỏa mùi hương, anh nông dân kiếm 300 triệu đồng rất nhẹ nhàngNuôi con

T.M (tổng hợp)