Tin tức Đời sống 29/10: Bị gián đất chui vào tai do thói quen "khó bỏ"

Admin

Cập nhật tin tức đời sống ngày 29/10: Gián đất chui vào tai do thói quen trải đệm ngủ sàn nhà; Chú ý quy trình bảo quản, hâm nóng lại thức ăn...

Gián đất chui vào tai do thói quen trải đệm ngủ sàn nhà

Bà V.T.H. (54 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội) thường có thói quen trải đệm ngủ dưới sàn nhà. Vào tối 18/10, trong khi đang ngủ bà nghe tiếng sột soạt, cảm giác đau nhói sâu bên trong tai. Lo lắng, bà H. đã đến một bệnh viện gần nhà để kiểm tra.

Tại đây, bác sĩ phát hiện trong tai bà H. có một con gián đất, nhưng không thể gắp ra được do các gai chân của con gián găm vào da ống tai, chỉ cần chạm nhẹ bệnh nhân đã đau nhói. Sau đó bệnh quyết định tới Bệnh viện Đa khoa Medlatec để được thăm khám.

Sau khi thăm khám và thực hiện các chẩn đoán cần thiết, bác sĩ đã khéo léo loại bỏ con gián ra khỏi tai bà H. một cách an toàn. Kết thúc thủ thuật, ống tai bệnh nhân nguyên vẹn, không chảy máu, không ảnh hưởng đến màng nhĩ.

Bác sĩ Nguyễn Phương Dung - Chuyên khoa Tai - Mũi - Họng Bệnh viện Đa khoa Medlatec khuyến cáo, côn trùng chui vào tai có thể gây ra tác hại không mong muốn, vì thế người dân tuyệt đối không được xem nhẹ vấn đề này.

Do đó, khi phát hiện tai đau nhói, nghe tiếng lạ trong tai, nghi ngờ có côn trùng chui vào tai, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng càng nhanh càng tốt. Bác sĩ sẽ lấy côn trùng ra cũng như xử lý những tổn thương do côn trùng gây ra.

Khi xử lý côn trùng chui vào tai không được sử dụng các dụng cụ để ngoáy móc, không tự nhỏ thuốc hay oxy già vào tai. Điều này vô tình có thể đẩy côn trùng vào sâu hơn hoặc côn trùng giãy đạp làm tổn thương niêm mạc ống tai, khiến việc loại bỏ chúng càng thêm khó khăn.

Đặc biệt, cần lưu ý là không thực hiện các phương pháp dân gian để xử lý khi bị côn trùng chui vào tai. Những phương pháp như hơ lá, xông hơi… không chỉ không có tác dụng mà còn khiến côn trùng hoảng sợ, chạy càng sâu hơn.

Chú ý quy trình bảo quản, hâm nóng lại thức ăn

Nhiều người có suy nghĩ đơn giản thức ăn thừa chỉ cần hâm nóng lại, nhiệt độ cao sẽ tiêu diệt hết vi khuẩn. Nhưng Tiến sĩ Chu Thị Tuyết, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) cho biết: "Những thức ăn đã nấu chín chỉ an toàn 2 giờ sau khi nấu và dễ hư hỏng ở nhiệt độ thường. Sau khoảng thời gian này, bảo quản nóng hay lạnh không đúng cách đều tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Một số loại thực phẩm sau khi hâm nóng lại sẽ mất hết giá trị dinh dưỡng, mùi vị, màu sắc bị biến đổi, thậm chí trong nhiều trường hợp còn có thể sinh ra các chất độc hại".

Tin tức Đời sống 29/10: Bị gián đất chui vào tai do thói quen "khó bỏ"- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Ví dụ như món cơm, hoàn toàn có thể nhiễm vi khuẩn Bacillus cereus. Khi cơm chín, nhiệt lượng đủ để tiêu diệt phần lớn vi khuẩn có hại này. Tuy nhiên, theo Cơ quan Y tế Quốc gia Mỹ, bào tử Bacillus cereus có thể tồn tại ở nhiệt độ cao. Khi cơm nguội đi, các bào tử này sẽ lại nhân lên và sản sinh ra chất độc nguy hiểm. Đối với các loại đồ ăn chiên rán như khoai tây chiên, gà tẩm bột, khi được đun lại, dầu ăn trong các món ăn này sẽ bị biến đổi các thành phần hóa học. Việc hâm nóng những thực phẩm này, dù nấu trên bếp hay cho vào lò vi sóng, đều khiến các chất béo không ổn định đó tiếp xúc với nhiều nhiệt, tạo ra nhiều gốc tự do hơn.

Các món ăn từ hải sản khi để qua đêm ở nhiệt độ lạnh chỉ có thể làm chậm sự phát triển của vi khuẩn nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn. Khi rau được nấu chín và để qua đêm, cùng với sự phát triển và xâm nhập của vi khuẩn, nitrate sẽ chuyển hóa thành nitrit, đây là chất phổ biến gây ung thư. Ngoài ra, việc hâm nóng thức ăn lấy ra từ tủ lạnh nếu không đảm bảo đủ nhiệt độ và thời gian thì cũng không đủ để tiêu diệt hết vi trùng.

Vì vậy, các chuyên gia y tế cảnh báo, ngay cả đồ ăn chín trong tủ lạnh khi lấy ra nên được nấu lại thật sôi để diệt hết vi khuẩn. Với các thực phẩm không thể nấu sôi như giò mỡ, thịt đông, người dân cần phải bảo quản kỹ càng bằng hộp kín, tránh vi khuẩn xâm nhập.

Cách phân biệt sốt xuất huyết và sốt phát ban

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết là virus Dengue, bệnh lây từ người bệnh sang người lành. Có 2 loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn và muỗi hổ châu Á.

Sốt phát ban do nhiều loại virus gây ra, thường gặp là virus sởi và virus gây bệnh rubella, bệnh chủ yếu lây lan qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng của người bệnh khi ho, hắt hơi.

Sốt xuất huyết thường có sốt cao liên tục, khó giảm trong 3-4 ngày. Kèm theo đó là ho, sổ mũi, đau nhức mình mẩy, đau nhức hố mắt, nôn và có thể tiêu chảy.

Khi sốt bắt đầu giảm sẽ bắt đầu xuất huyết, biểu hiện như da sung huyết, có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, mắt đỏ, nôn ói, chân tay lạnh.

Thông thường từ ngày thứ 3, bệnh có tiến triển nặng (nhất là ở trẻ em). Nếu không được chẩn đoán sớm, xử lý kịp thời sẽ có nguy cơ sốc, tổn thương các cơ quan khác.

Sốt phát ban cũng bắt đầu với triệu chứng sốt cao từ 39-40 độ C, kèm theo các triệu chứng ho, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, mệt mỏi, nôn ói, phát ban đỏ.

Ngoài ra, nhiều người sẽ bị chảy nước mắt, kết mạc mắt đỏ, nổi hạch khu vực đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau, có thể sờ thấy. Nếu nguyên nhân gây sốt là do virus đường tiêu hóa, có thể xuất hiện rối loạn tiêu hóa.

Từ ngày thứ 4 trở đi, người bệnh sẽ hết sốt, ăn được, da bắt đầu nổi phát ban 3-5 ngày rồi lặn.

Cách phân biệt ban do sốt xuất huyết và sốt phát ban là dùng ngón tay cái và ngón trỏ cùng bên căng vùng da có chấm đỏ (ban đỏ) hoặc vùng da sung huyết. Nếu chấm ban mất đi, buông ra là màu đỏ hồi phục ngay thì chính là dấu hiệu của sốt phát ban. Còn nếu vẫn thấy chấm đỏ li ti sau khi căng da, đó là sốt xuất huyết.

Tuy nhiên, để đảm bảo phân biệt sốt phát ban và sốt xuất huyết chính xác để xử lý kịp thời, cần đến khám tại các cơ sở y tế.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Loại rau chẳng lo "ngậm" thuốc trừ sâu, ăn vào ngừa ung thư, chống lão hoáLoại rau chẳng lo

T.M (tổng hợp)