Trẻ 2-3 tuổi cong vẹo cột sống vì xem điện thoại thường xuyên
Nghiên cứu cho thấy có 30% học sinh mắc phải các bệnh lý liên quan cột sống, dị tật bàn chân, đặc biệt có trẻ chỉ mới 2-3 tuổi.
Thông tin trên được BS Trịnh Quang Anh, nguyên Trưởng Đơn vị Hiệu chỉnh cơ xương khớp - Bệnh viện 1A (Tp.HCM), cho hay sau các buổi tầm soát miễn phí về dị dạng hình thể cho trẻ mầm non.
Theo BS Quang Anh, hiện nay, những bệnh lý về cong vẹo cột sống, dị tật bàn chân ở lứa tuổi học sinh tăng rất cao. Theo nghiên cứu, tỉ lệ học sinh mắc phải các bệnh lý liên quan cột sống như cong vẹo, gù cột sống, dị tật bàn chân chiếm đến 30%. Nguyên nhân là trẻ dùng điện thoại nhiều trong thời gian dài. Đáng chú ý, có những trẻ chỉ mới 2-3 tuổi đã được cha mẹ cho dùng điện thoại thường xuyên.
Điều này khiến dáng ngồi, đứng của trẻ bị gù, dẫn đến đau cổ vai gáy và cong vẹo cột sống. Trẻ từ 8-12 tuổi, nếu được phát hiện sớm, bệnh có thể điều trị và có khả năng phục hồi. Sau độ tuổi này, xương khớp của trẻ phát triển nhanh và gần như hoàn thiện, rất khó điều trị khỏi. "Nếu trẻ bị cong vẹo cột sống, đốt sống một bên sẽ không lớn được, bên còn lại không chịu lực nén vẫn lớn lên, hình thành đốt sống biến dạng bên cao bên thấp. Nhiều đốt sống biến dạng sẽ hình thành một cột sống cong vẹo. Trong trường hợp này gần như không thể sửa chữa được, trẻ sẽ phải sống chung với dị tật cả đời", BS Quang Anh cảnh báo.
BS Quang Anh lưu ý, để phát hiện sớm, phụ huynh cần cho trẻ đi tầm soát những bệnh lý cong vẹo cột sống, bàn chân bẹt từ khi còn nhỏ. Bởi nhiều bệnh nhân ở độ tuổi 18, 19 đến khám và nói rằng có ý định tự tử, trầm cảm vì bị dị tật về cột sống. Những dị tật này không ảnh hưởng đến tình mạng nhưng ảnh hướng rất lớn đến sức khoẻ tinh thần của bệnh nhân.
Bên cạnh đó, trẻ bị bàn chân bẹt, chân khoèo, chân cao - thấp là hai bên chân sẽ không đều nhau sẽ làm chân ngắn chân dài cơ học. Điều này dẫn đến khung chậu bị nghiêng, khi đó cột sống của trẻ sẽ nghiêng. Lúc này, cơ thể sẽ tự điều chỉnh lại cho thẳng, dẫn đến bị vẹo cột sống hình chữ S. Vì vậy, để chữa dị dạng hình thể tổng quát, trẻ em cần được tầm soát cột sống và bàn chân.
Giải thích thêm, BS Quang Anh cho biết cơ thể chúng ta là đa khớp nối chồng lên nhau, một dị tật ở dưới thấp sẽ gây hiệu ứng domino, kéo lệch vẹo cả cơ thể. Cong vẹo cột sống hiện nay ở học sinh đa phần là do cơ năng, các sợi cơ giữ đốt sống sẽ có trách nhiệm giữ cột sống thăng bằng, cơ thể có xu hướng đổ về bên kéo căng hơn. Đến nay, các nhà khoa học chưa tìm được lý do vì sao cơ bên này co mạnh hơn cơ bên kia.
Hậu quả của cong vẹo cột sống rất nặng nề. Thứ nhất, trẻ bị dị dạng về hình thể, để lại di chứng về tinh thần như trầm cảm, tự ti, không dám bước ra xã hội, thu mình một góc. Thứ hai là di chứng về chức năng, trẻ bị hạn chế vận động. Thời gian lâu dần, trẻ bị hạn chế về hô hấp, không thể thở được, ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan khác như tim mạch, tiêu hoá. Diễn tiến theo của bệnh là trẻ bị thoát vị, trượt đốt sống dẫn đến liệt.
"Dị tật cột sống sẽ thay đổi số phận của một con người, do đó cần tầm soát càng sớm càng tốt cho trẻ", BS Quang Anh khuyến cáo.
Việt Nam nằm trong nhóm 26 nước bị thiếu i-ốt trên thế giới
Theo Bộ Y tế, thực trạng thiếu hụt i-ốt đang xảy ra đối với toàn bộ người dân ở 6 vùng sinh thái trên toàn quốc, bao gồm cả các tỉnh ven biển Duyên hải miền Trung.
Từ năm 1994, Việt Nam đã điều tra dịch tễ học tình trạng thiếu i-ốt trên quy mô toàn quốc và kết quả cho thấy 94% dân số nằm trong vùng thiếu i-ốt. Trước tình trạng thiếu hụt i-ốt gia tăng trong cộng đồng, ngày 28/1/2016, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 09/2016 của Chính phủ về tăng cường Vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Nghị định này quy định, muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt.
Đầu năm 2024, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi Nghị định 09 về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm để trình Chính phủ. Tại Dự thảo sửa đổi bổ sung này, Bộ Y tế vẫn giữ nguyên phương án quy định muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt; Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm.
Góp ý về Dự thảo, nhiều hiệp hội, ngành hàng thực phẩm cho rằng, quy định nói trên gây tốn kém, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà hiệu quả cho sức khỏe cộng đồng lại rất thấp.
Một số ý kiến cho rằng, quy định bắt buộc bổ sung i-ốt vào thực phẩm chế biến sẽ dẫn đến ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, tốn chi phí khi phải tạo ra hàm lượng i-ốt cao trong thành phẩm, thậm chí có khả năng dẫn đến nguy cơ gây bệnh cường giáp hoặc những bệnh lý khác cho người thừa i-ốt.
Trước những ý kiến nói trên, Bộ Y tế đã đưa ra quan điểm phản bác và cho biết, đây là những lập luận thiếu cơ sở khoa học, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng không tốt đến các nỗ lực của ngành y tế trong phòng, chống các các rối loạn thiếu i-ốt.
Cơ quan này cho biết, hiện nay, theo Báo cáo 2021 của Mạng lưới toàn cầu về phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm 26 nước còn lại trên thế giới bị thiếu i-ốt. Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019-2020 tại Việt Nam, hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn chỉ chiếm 27%, trong khi khuyến cáo của WHO là phải trên 90%. Như vậy chỉ số hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đều đạt ở mức nguy cơ cận dưới và không đạt so với khuyến cáo của WHO.
Bộ Y tế khẳng định, thiếu vi chất dinh dưỡng là "nạn đói tiềm ẩn" do khẩu phần của người dân Việt Nam hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu các vi chất dinh dưỡng thiết yếu. Tình trạng thiếu hụt iốt tại Việt Nam nghiêm trọng tới mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng.
Đối với ý kiến cho rằng quy định muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt có thể dẫn tới nguy cơ cường giáp và những bệnh lý khác do thừa i-ốt, Bộ Y tế khẳng định, không có bất kỳ lo ngại nào liên quan đến việc toàn dân sử dụng muối i-ốt, bao gồm muối i-ốt dùng trong hộ gia đình và trong chế biến thực phẩm, tại Việt Nam chưa bao giờ có trường hợp người dân thừa i-ốt.
PGS.TS Trương Tuyết Mai - Phó Giám đốc Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, kết quả tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2019-2020 cho thấy, ở tất cả các nhóm đối tượng, tỷ lệ người có nồng độ i-ốt niệu vượt quá ngưỡng 300 ppm là 0% (ngưỡng trên 300ppm là ngưỡng có i-ốt niệu cao). Với kết quả này, khẳng định người dân Việt Nam vẫn còn chưa đạt đủ lượng i-ốt tiêu thụ hàng ngày so với khuyến nghị. Cho đến nay, chưa có một y văn nào đề cập đến chương trình sử dụng muối i-ốt toàn dân (từ năm 1994 đến nay) dẫn đến hệ quả về bệnh lý tuyến giáp.
Còn PGS.TS.BS Phan Hướng Dương - Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương thông tin: "Bản thân thiếu i- ốt hoặc i-ốt cao gây ra các bệnh về tuyến giáp cũng được xếp vào hậu quả của thiếu i- ốt, đây là đánh giá xếp loại của WHO. Theo WHO, sau 5-10 năm bổ sung i- ốt thường xuyên, thì tỷ lệ mắc cường giáp sẽ suy giảm, tương ứng với những vùng không bị thiếu I ốt. Cường giáp là bệnh tự miễn, điều trị nội khoa bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp là chủ yếu. Nếu điều trị nội khoa thất bại hoặc yếu tố miễn dịch vẫn còn cao sau thời gian dài điều trị nội khoa thì nên lựa chọn phẫu thuật hoặc điều trị xạ. Bên cạnh đó, cũng chưa có tài liệu khoa học nào khẳng định thừa i-ốt gây ra ung thư tuyến giáp".
Bộ Y tế cho biết hiện chưa nhận được bất kỳ bằng chứng khoa học nào của doanh nghiệp liên quan đến việc sử dụng muối tăng cường i-ốt bị biến đổi về màu sắc, mùi vị hoặc ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Tại buổi làm việc với doanh nghiệp vào ngày 30/10 vừa qua, lãnh đạo Bộ Y tế có ý kiến sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp để tiến hành nghiên cứu thực tế tại cơ sở sản xuất có sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm để làm rõ về ảnh hưởng của muối i ốt đối với sản phẩm của doanh nghiệp. Trường hợp bằng chứng khoa học cho thấy việc sử dụng muối i-ốt làm thực phẩm bị biến đổi về màu sắc, mùi vị hoặc ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng thì sẽ đề nghị Chính phủ loại trừ đối với các sản phẩm này trong Nghị định.
Rủi ro khi làm đẹp ở tuổi "xế chiều"
Các dịch vụ làm đẹp được phụ nữ tuổi trung niên ưa chuộng thường tập trung vào việc lấy mỡ bụng, xóa nếp nhăn, nâng cơ mặt, căng da, tiêm filler (chất làm đầy) và các phương pháp trẻ hóa da.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, nhu cầu làm đẹp của phụ nữ tuổi trung niên ngày một gia tăng. Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận hàng chục bệnh nhân từ độ tuổi 50 trở lên đến làm đẹp. Nguyên nhân là ở độ tuổi này, các biểu hiện lão hóa ngày càng rõ rệt nên nhiều người có điều kiện kinh tế quan tâm đến chăm sóc ngoại hình, làn da và vóc dáng hơn.
Cùng với sự gia tăng nhu cầu làm đẹp ở tuổi "xế chiều", nhiều cơ sở thẩm mỹ, spa cũng nhanh chóng phát triển thêm dịch vụ dành riêng cho đối tượng này. Tuy nhiên, phẫu thuật thẩm mỹ khi lớn tuổi cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nếu không được thực hiện tại cơ sở được cấp phép và từ các bác sĩ chuyên khoa. Hơn nữa, do da của người trung niên đã mất đi độ đàn hồi tự nhiên nên nhiều phương pháp như cấy chỉ căng da, tiêm filler hay nâng ngực có thể không mang lại kết quả như mong đợi, thậm chí còn gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Đặc biệt, nếu thực hiện những phương pháp trên ở cơ sở chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua yếu tố an toàn thì nguy cơ xảy ra biến chứng càng cao.
Thấy vòng bụng ngày càng "phì nhiêu", chị P.T.T (50 tuổi ở Bắc Ninh) đã rủ bạn đến một cơ sở làm đẹp tư nhân để lấy mỡ bụng. Hậu quả là vòng eo con kiến chưa thấy đâu nhưng chị P.T.T đã phải nhập viện vì biến chứng. Bác sĩ Phạm Kiến Nhật (Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai) - người trực tiếp điều trị cho chị P.T.T chia sẻ, bệnh nhân vào viện trong tình trạng vị trí phẫu thuật lấy mỡ bụng bị rỉ nước, miệng hở rộng, nhiễm trùng và hoại tử. Nguyên nhân có thể do quá trình lấy mỡ bụng của chị P.T.T chưa bảo đảm về kỹ thuật và môi trường vô trùng…
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiết Sơn (Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai), Chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Hà Nội lưu ý, trong phẫu thuật thẩm mỹ, biến chứng thường gặp là nhiễm trùng, biến dạng ở vị trí thẩm mỹ, chảy máu và nguy hiểm nhất có thể dẫn đến tử vong. Đặc biệt, biến chứng càng dễ gặp khi những kỹ thuật làm đẹp không được thực hiện bởi những bác sĩ được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản.
Thời gian gần đây, tại Bệnh viện Da liễu trung ương không chỉ tiếp nhận nhiều phụ nữ tuổi "xế chiều" đến làm đẹp mà còn tiếp nhận không ít các ca biến chứng như da để lại sẹo do laser, hoại tử do tiêm filler hay nhiễm trùng sau khi căng chỉ da mặt...
"Với các chị, các cô, biến chứng thường gặp nhất là tăng sắc tố da, sắc tố da không đều màu sau khi điều trị nám má tại các spa, cơ sở làm đẹp không có bác sĩ chuyên ngành. Hầu hết các trường hợp bị biến chứng đến bệnh viện để điều trị đều đã sử dụng sản phẩm bôi da trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Những sản phẩm này chứa corticoid (có trong kem trộn), hay thủy ngân, các chất bào mòn da… gây ra tình trạng giãn mạch, phản ứng và tăng sắc tố da khi sử dụng", Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Thái Hà cảnh báo.
T.M (tổng hợp)