Tòa án Công lý châu Âu (CJEU) hôm 6/9 đã đưa ra một phán quyết mang tính bước ngoặt về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với một doanh nhân Nga.
Ông Aleksandr Shulgin, cựu giám đốc điều hành công ty thương mại điện tử Ozon của Nga, bị đưa vào “danh sách đen” của EU vào tháng 4/2022 như một phần của lệnh trừng phạt nhắm vào Moscow sau khi nước này bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.
“Hiệu lực của quyết định 2023/572 vẫn được duy trì đối với ông Shulgin cho đến ngày hết hạn nộp đơn kháng cáo hoặc cho đến khi nó bị bác bỏ”, Tòa tối cao EU tuyên bố, bổ sung rằng “phần còn lại của đơn kháng cáo sẽ bị bác bỏ”.
Điều đó nghĩa là các biện pháp trừng phạt đối với ông Shulgin sẽ không được dỡ bỏ ngay lập tức, và Hội đồng châu Âu – cơ quan áp đặt các biện pháp này lần đầu tiên, có thể kháng cáo hoặc áp dụng các biện pháp trừng phạt mới sớm nhất là vào tuần tới, khi các biện pháp hiện tại được gia hạn.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên các lệnh trừng phạt của EU liên quan đến một doanh nhân Nga được dỡ bỏ nhờ phán quyết của tòa án. Trước đây, quyết định dỡ trừng phạt chỉ được đưa ra đối với những người thân của họ.
EU đã trừng phạt gần 1.800 cá nhân và tổ chức của Nga. Khối này nhắm mục tiêu vào ông Shulgin với tư cách một “doanh nhân hàng đầu” của Nga và CEO của một công ty “tham gia vào các lĩnh vực kinh tế mang lại nguồn thu nhập đáng kể” cho Chính phủ Nga. Khi áp đặt lệnh trừng phạt, EU lưu ý rằng vào ngày 24/2 – ngày Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine – ông Shulgin nằm trong số các doanh nhân Nga đã gặp Tổng thống Vladimir Putin tại Điện Kremlin.
Nhưng 3 ngày sau khi các hạn chế được đưa ra, ông Shulgin đã từ chức giám đốc điều hành của Ozon và rời khỏi ban giám đốc công ty. Kể từ đó, vị doanh nhân Nga đã cố gắng thách thức về mặt pháp lý quan điểm cho rằng ông ấy là một “doanh nhân hàng đầu”.
Theo các chuyên gia, việc ông Shulgin rời Ozon là yếu tố mang tính quyết định trong phán quyết dỡ bỏ trừng phạt của Tòa tối cao EU. Vụ việc sẽ tạo tiền lệ liên quan đến nhiều lệnh trừng phạt của EU ảnh hưởng đến công dân Nga, ông Yury Shumilov, một đối tác tại công ty luật Acquis của Brussels, nói với hãng tin RBK (Nga).
Một số nhà tài phiệt khác đã thất bại trong việc kháng cáo các biện pháp trừng phạt của EU, bao gồm ông Dmitry Pumpyansky – người sáng lập TMK, nhà sản xuất ống dẫn hàng đầu cho ngành dầu khí Nga, ông Gennady Timchenko – một người bạn lâu năm của ông Putin và cổ đông của Ngân hàng Rossiya, vốn đã bị EU và Anh trừng phạt trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.
CJEU cũng bác bỏ kháng cáo của ông Tigran Khudaverdyan – phó giám đốc điều hành của công ty công nghệ Yandex. Ông Khudaverdyan bị trừng phạt vì tham dự hội nghị ở Điện Kremlin vào ngày 24/2 năm ngoái.
Ông Mikhail Gutseriev, doanh nhân có mối làm ăn ở Belarus, cũng đã thua kiện trước các biện pháp trừng phạt được áp đặt vì sự gần gũi của mình với nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko.
Minh Đức (Theo RT, FT)