Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass
“Chúng tôi phản đối bá quyền và khái niệm về chủ nghĩa ngoại lệ do một số quốc gia thúc đẩy, cũng như chính sách chủ nghĩa thực dân mới bắt nguồn từ những tuyên bố đó”, ông Putin nói ngày 23/8 trong bài phát biểu trực tuyến tại hội nghị các nhà lãnh đạo BRICS ở Nam Phi.
Nhóm BRICS, bao gồm Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Nam Phi, tin tưởng chắc chắn vào “sự hình thành một trật tự thế giới đa cực, thực sự công bằng và dựa trên luật pháp quốc tế”, ông Putin tuyên bố.
Giải thích về nguyên nhân của cuộc khủng hoảng Ukraine, ông Putin cáo buộc các cường quốc phương Tây tạo điều kiện cho cuộc đảo chính ở Kiev năm 2014. Sau khi nắm quyền, chính quyền mới của Ukraine đã “phát động một cuộc chiến” chống lại những người phản đối họ, ông Putin nói.
Tổng thống Nga nhấn mạnh: “Hành động của chúng tôi ở Ukraine chỉ có một động cơ: chấm dứt cuộc chiến mà phương Tây và các vệ tinh của họ ở Ukraine đã khơi mào nhằm vào người dân sống ở Donbass”.
Ông chuyển lời cảm ơn của Mátxcơva tới các thành viên BRICS, những quốc gia đang nỗ lực giải quyết tình hình “một cách công bằng thông qua các biện pháp hòa bình”.
Nga đã khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, tuyên bố mục tiêu của họ là ngăn chặn các cuộc tấn công của Kiev vào Donbass, đảm bảo tính trung lập của quân đội Ukraine và loại bỏ các lực lượng dân tộc chủ nghĩa cực đoan. Mỹ và các đồng minh tuyên bố hành động quân sự của Mátxcơva là "vô cớ”, cam kết cung cấp vũ khí và tài trợ cho Kiev để giành chiến thắng trước Nga.
Mátxcơva xác định rằng sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Đông Âu và ảnh hưởng ngày càng tăng của khối này ở Ukraine là mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia Nga. Năm 2021, chính phủ Nga tìm cách đàm phán với phương Tây để giải quyết những lo ngại đó, nhưng không có kết quả.