Triển khai TOD ngay trên tuyến Vành đai 3 và metro số 1
(NLĐO)- Nhiều vị trí khu đất tại các nút giao Vành đai 3 và một số nhà ga tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) sẽ triển khai mô hình TOD theo cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội.
Ông Trần Quang Lâm cho biết dự kiến tháng 12-2023 trình Đề án TOD lên UBND TP HCM
Ông Trần Quang Lâm cho biết Sở GTVT đề xuất trình tự 7 bước thực hiện dự án đầu tư công nhằm thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị theo mô hình TOD.
TOD (Transit Oriented Development) là lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán.
Bước 1 là xác định đầu mối giao thông tập trung có thể hình thành mô hình TOD.
Bước 2 xác định phạm vi vùng phụ cận của khu vực nhà ga tuyến đường sắt, nút giao Vành đai 3 TP HCM và rà soát quỹ đất, đồ án quy hoạch cần điều chỉnh cục bộ quy hoạch, đánh giá hiện trạng.
Bước 3 tổ chức điều chỉnh cục bộ quy hoạch (nếu có). Bước 4 đề xuất dự án đầu tư công độc lập thực hiện bồi thường để thu hồi đất, phát triển hạ tầng, đô thị.
Bước 5 thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đề xuất chủ trương đầu tư trình HĐND TP phê duyệt. Bước 6 tổ chức triển khai dự án. Bước 7 tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án.
Ngoài ra, Sở GTVT đề xuất phân kỳ thực hiện mô hình TOD theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Triển khai thí điểm mô hình TOD tại các vùng phụ cận đầu mối giao thông tập trung gồm các nhà ga của tuyến metro số 1 và các nút giao của Vành đai 3.
Theo Sở GTVT, hiện nay các nhà ga thuộc tuyến metro 1 và nút giao Vành đai 3 đã được xác định và có cơ sở pháp lý rõ ràng. Quỹ đất vùng phụ cần để khai thác, phát triển khu vực xung quanh các khu vực này đã được Sở Quy hoạch – Kiến trúc phối hợp UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện rà soát, thống kê. Do đó có thể triển khai ngay một số dự án thí điểm.
Giai đoạn 2: Triển khai tại các đầu mối giao thông của các tuyến đường sắt gắn với Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP HCM, là tuyến Metro số 2, Vành đai 4 và cao tốc TP HCM - Mộc Bài.
Hội nghị ghi nhận nhiều đóng góp của các địa phương
Theo Sở GTVT, tuy tuyến metro số 2 đã có pháp lý rõ ràng, vị trí các nhà ga đầu mối giao thông trên tuyến đã được xác định trong dự án đầu tư được phê duyệt, tuy nhiên theo tiến độ dự án được Chính phủ điều chỉnh thì đến năm 2030 dự án mới hoàn thành. Các tuyến đường sắt còn lại đang trong giai đoạn nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư, chưa có tuyến mới được phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Do đó để triển khai giai đoạn 2 cần lập Đề án để cụ thể lộ trình phát triển TOD gắn với Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP HCM trong tương lai, đảm bảo khai thác đồng bộ, hiệu quả quỹ đất.
Tại hội nghị, nhiều sở ngành đồng ý 7 bước thực hiện đề án, tuy nhiên, thời gian hoàn tất rà soát quy hoạch cục bộ tại các địa phương nếu dự kiến trong 3 tháng sẽ không đảm bảo vì quy trình này mất nhiều thời gian hơn.