Triển vọng mở rộng của BRICS: Hơn 20 quốc gia 'chính thức' đăng kí gia nhập

Admin

Sự quan tâm ngày càng tăng đối với BRICS "không phải là điều gì mới", mà cho thấy "sự tin tưởng" vào công việc do khối này thực hiện kể từ khi thành lập vào năm 2009.

Triển vọng mở rộng của BRICS: Hơn 20 quốc gia chính thức đăng kí gia nhập - Ảnh 1.

Các bộ trưởng ngoại giao BRICS nhóm họp ở Nam Phi để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh vào tháng 8/2023. Ảnh: AA

22 quốc gia đã "chính thức" đăng kí tham gia nhóm BRICS, trong khi một số lượng tương đương đã bày tỏ sự quan tâm một cách không chính thức đến việc gia nhập khối, một nhà ngoại giao hàng đầu của Nam Phi mới đây cho biết.

BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) dự kiến ​​tổ chức hội nghị thượng đỉnh từ ngày 22 - 24/8 tại Nam Phi và trước đó đã ám chỉ rằng khối này sẵn sàng mở rộng.

Phát biểu với truyền thông ở Johannesburg, Anil Sooklal, Đại sứ của Nam Phi tại BRICS, giải thích rằng sự quan tâm ngày càng tăng đối với BRICS "không phải là điều gì mới", mà cho thấy "sự tin tưởng" vào công việc do khối này thực hiện kể từ khi thành lập vào năm 2009.

Ông trích dẫn Iran, Argentina, Bangladesh và Saudi Arabia trong số các quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm, chính thức hoặc không chính thức, trong việc gia nhập BRICS. Ethiopia đầu tháng 7 này cũng báo hiệu sự quan tâm đến việc tham gia BRICS.

Ông Sooklal nói thêm rằng BRICS không chỉ là "một lực lượng đang nỗ lực khắc phục những sai lầm trong nền chính trị thế giới, mà còn nhằm mục đích thay đổi những gì đang xảy ra trong không gian kinh tế ở cấp độ toàn cầu".

"Cấu trúc toàn cầu hiện nay vẫn còn bất bình đẳng, tiếp tục gạt các nước đang phát triển ra bên lề và vẫn bị một số ít thống trị. Chúng tôi không muốn một thế giới tương tự. Chúng tôi muốn một thế giới nơi tiếng nói của chúng tôi được lắng nghe", ông nói với hãng tin AFP.

Trước đó có thông tin cho rằng BRICS đang thảo luận về việc kết nạp Saudi Arabia và Iran vào khối. Cùng với Riyadh và Tehran, Algeria cũng đã đăng ký tham gia BRICS vào năm ngoái, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập dự kiến ​​sẽ sớm trở thành thành viên tiếp theo.

Hãng tin Reuters ngày 25/7 cũng đưa tin Belarus đã nộp đơn vào tháng 5 vừa qua để gia nhập BRICS. "Quyết định này là một bước hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh mở rộng hợp tác theo định dạng đa phương với các đối tác truyền thống và các quốc gia thân thiện. Tầm quan trọng và ảnh hưởng của BRICS trên thế giới sẽ ngày càng tăng", Bộ Ngoại giao Belarus nêu rõ.

Tại hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 8 tới, gần 70 quốc gia đã được mời tham dự, trong đó có cả các quốc gia châu Phi. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề nghị tham dự hội nghị thượng đỉnh nhưng chưa có quyết định nào được đưa ra.

"BRICS là một thực thể đồng thuận, đó không phải là quyết định của riêng Nam Phi, mà phải có sự tham vấn", Đại sứ Sooklal nhận xét, đồng thời chỉ ra rằng Bộ trưởng Ngoại giao Nam Phi Naledi Pandor "chịu trách nhiệm về thủ tục này".

Chính thức ra mắt vào năm 2009, nhóm năm cường quốc mới nổi BRICS hiện chiếm 23% GDP toàn cầu và 42% dân số thế giới, theo trang web chính thức của hội nghị thượng đỉnh của khối.