Trung Quốc có kho báu ‘kim cương xanh’ khiến thế giới kiêng nể: 1 quyết định nhỏ cũng gây thiệt hại tương đương lệnh cấm vận dầu mỏ, nắm quyền sinh quyền sát toàn chuỗi cung ứng

Admin

Vị thế sẵn có của Trung Quốc sẽ giúp ích rất nhiều cho cuộc cách mạng xe điện tương lai.

Trung Quốc có kho báu ‘kim cương xanh’ khiến thế giới kiêng nể: 1 quyết định nhỏ cũng gây thiệt hại tương đương lệnh cấm vận dầu mỏ, nắm quyền sinh quyền sát toàn chuỗi cung ứng - Ảnh 1.

Bất chấp hàng tỷ USD đầu tư của phương Tây, Trung Quốc vẫn tiến xa - khai thác khoáng sản quý hiếm, đào tạo kỹ sư và xây dựng các nhà máy khổng lồ - thứ mà phần còn lại của thế giới có thể mất hàng thập kỷ để bắt kịp. Thậm chí đến năm 2030, đại lục sẽ sản xuất nhiều gấp đôi lượng pin của những quốc gia khác cộng lại, theo ước tính từ nhóm tư vấn Benchmark Minerals.

Ô tô điện sử dụng lượng khoáng sản quý hiếm gấp khoảng 6 lần so với ô tô thông thường và Trung Quốc có quyền quyết định ai sẽ lấy khoáng sản trước, với giá cụ thể bao nhiêu. Nước này ít mỏ nguyên liệu dưới lòng đất, song đã theo đuổi một chiến lược dài hạn để giành được nguồn cung cấp giá rẻ và ổn định. Các công ty Trung Quốc, dựa vào sự hỗ trợ của nhà nước, cũng mua cổ phần của rất nhiều công ty khai thác để nhanh chóng thâu tóm nguồn cung.

Theo The New York Times, Trung Quốc sở hữu hầu hết các mỏ coban (hay còn được gọi là kim cương xanh) ở Congo - nơi cung cấp phần lớn nguyên liệu khan hiếm cần thiết cho loại pin phổ biến nhất thế giới. Các công ty Mỹ không theo kịp và thậm chí còn bán mỏ cho các đối tác Trung Quốc. Kết quả, Trung Quốc kiểm soát 41% hoạt động khai thác coban trên thế giới và khai thác nhiều nhất lithium - nguyên liệu vô cùng quan trọng để sản xuất pin xe điện.

“Chúng ta phải nhận xét công tâm với Trung Quốc. Họ đã bỏ tiền đầu tư từ rất lâu trước khi bất kỳ ai đó có ý định”, Hadley Natus, Chủ tịch của Tantalex, một nhóm khai thác lithium ở Congo, cho biết.

Hồi tháng 5, do lo sợ Trung Quốc thâu tóm một lượng lớn coban nguyên chất, Congo thậm chí còn phải đặt mục tiêu tăng cổ phần trong một liên doanh với các công ty Trung Quốc lên 70% từ mức 32%. Mục tiêu là dành nhiều quyền kiểm soát hơn với liên doanh Sicomines - hiện do các công ty Trung Quốc thống trị.

“Ước tính rằng 90% xuất khẩu khai khoáng của Congo đều đến Trung Quốc, trong khi đóng góp của nước này đối với GDP quốc gia lại không vượt quá 30%”, Jean-Pierre Okenda, Giám đốc ngành công nghiệp khai thác Resource Matters, nói.

Trung Quốc có kho báu ‘kim cương xanh’ khiến thế giới kiêng nể: 1 quyết định nhỏ cũng gây thiệt hại tương đương lệnh cấm vận dầu mỏ, nắm quyền sinh quyền sát toàn chuỗi cung ứng - Ảnh 2.

Vị thế sẵn có của Trung Quốc sẽ giúp ích rất nhiều cho cuộc cách mạng xe điện tương lai.

Theo một báo cáo của Darton Commodities, Trung Quốc đã sẵn sàng tăng cường kiểm soát nguồn cung coban toàn cầu. Thậm chí trong 2 năm tới, thị phần sản xuất coban của nước này có thể đạt một nửa sản lượng toàn cầu, tăng từ mức 44% hiện nay.

Congo hiện chiếm 73% sản lượng khai thác coban toàn cầu. Các công ty Trung Quốc như Chengtun Mining, China Molypden, CMOC, Wanbao và Jinchuan sở hữu tới 15 trong số 19 tài sản khai khoáng tại đây, bao gồm một số mỏ lớn nhất trên thế giới như Tenke Fungurume và Sicomines. Chỉ riêng 2 mỏ này đã chiếm 20% sản lượng khai thác coban toàn cầu.​

Ngoài Congo, các công ty Trung Quốc cũng đang dần hướng mục tiêu sang Indonesia để thúc đẩy khai thác coban và xây dựng các nhà máy lọc dầu. Họ cũng kết hợp chế biến niken và thu coban từ quặng.

Theo báo cáo của Darton Commodities, thị phần sản xuất coban của Trung Quốc trong 2 năm tới dự kiến sẽ đạt một nửa sản lượng toàn cầu. Vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng coban diễn ra trong bối cảnh giá kim loại này đã giảm 60% từ mức cao nhất vào tháng 5/2022 xuống chỉ còn 16 USD/pound, tính đến tháng 3/2023. Nguồn cung tăng hơn gấp đôi so với nhu cầu đã dẫn đến sự lao dốc về giá này.

Nhờ kiểm soát phần lớn hoạt động khai thác coban, lithium cùng rất nhiều các loại khoáng sản quý, Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thể tự chủ trong chuỗi cung ứng pin xe điện. Không một nước nào đạt đến cảnh giới này, dù cho lao động có rẻ như thế nào đi chăng nữa. Họ cuối cùng cũng sẽ phải tìm cách thiết lập quan hệ đối tác với các nhà sản xuất Trung Quốc để tham gia hoặc mở rộng quy mô trong ngành, theo Scott Kennedy, cố vấn cấp cao của C.S.I.S.

“Làn sóng đầu tư đầu tiên của Trung Quốc đã diễn ra và điều đó là tiếng chuông cảnh báo đối với các công ty phương Tây”, Anthony Viljoen, giám đốc điều hành của Andrada, nói với Financial Times.

Trung Quốc có kho báu ‘kim cương xanh’ khiến thế giới kiêng nể: 1 quyết định nhỏ cũng gây thiệt hại tương đương lệnh cấm vận dầu mỏ, nắm quyền sinh quyền sát toàn chuỗi cung ứng - Ảnh 4.

Nhờ kiểm soát phần lớn hoạt động khai thác coban, lithium cùng rất nhiều các loại khoáng sản quý, Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thể tự chủ trong chuỗi cung ứng pin xe điện.

Theo các chuyên gia, chuỗi cung ứng của Trung Quốc có “chất gây nghiện” bởi đa số các nhà sản xuất ô tô quốc tế đều cần pin giá rẻ để cạnh tranh. Thị trường pin này dự kiến sẽ tăng gấp bốn lần lên 693,70 tỷ USD vào năm 2030 so với mốc 193,55 tỷ USD hồi năm ngoái.

“Đó là một tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với các nhà sản xuất ô tô Mỹ”, Yang Jing, Giám đốc nghiên cứu doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương tại Fitch cho biết. “Mỹ nhận ra Trung Quốc đang thống trị toàn bộ chuỗi cung ứng. Nếu họ chỉ bán xe điện mà không xây dựng chuỗi cung ứng cho riêng mình, sự phụ thuộc vào các công ty Trung Quốc vẫn là rất lớn”.

Việc Trung Quốc nắm giữ nguồn khoáng sản lớn của thế giới mang lại cho họ khả năng làm gián đoạn quá trình chuyển đổi năng lượng và sản xuất chip, nhất là trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị với Mỹ. Chỉ cần Trung Quốc hạn chế xuất khẩu lithium hay coban, các hãng xe điện nước ngoài sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề.

Theo WSJ, việc Trung Quốc đưa ra quy định hạn chế quy mô lớn đối với khoáng sản chẳng khác nào buộc Mỹ phải chịu tác động lớn tương tự lệnh cấm vận dầu mỏ năm 1973. Thời điểm đó, hàng dài người đã phải xếp hàng tại các trạm xăng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu điêu đứng.

Hiện tại, các nước phương Tây cũng sở hữu một số mỏ khoáng và nỗ lực bắt kịp Trung Quốc, song theo các chuyên gia, gần như mọi thứ cuối cùng cũng đều phải chuyển đến Trung Quốc để tinh chế thành vật liệu cung cấp cho pin. Những quá trình như thế này tiêu tốn một lượng lớn năng lượng, tuy nhiên, nhờ được chính phủ hỗ trợ bằng đất đai và năng lượng giá rẻ, các công ty Trung Quốc đã có thể tinh chế khoáng sản khối lượng lớn với chi phí thấp hơn rất nhiều những nước khác.

Theo: The New York Times, Reuters

Xem thêm:

Tin liên quan

Có một "đại gia" xe điện không phải VinFast hay Dat Bike ở bên kia sông Đuống, tự làm 50.000 pack pin mỗi năm