Trung Quốc: Ông Tần Cương bị cho thôi chức Bộ trưởng Ngoại giao

Admin

Lần cuối cùng ông Tần Cương xuất hiện trước công chúng là vào ngày 25/6 trong cuộc gặp với Ngoại trưởng các nước Nga, Sri Lanka…

Cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc đã triệu tập một phiên họp hôm 25/7 để xem xét dự thảo sửa đổi luật hình sự và một quyết định về bổ nhiệm và miễn nhiệm chính thức, tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) của Trung Quốc đưa tin.

Cụ thể, ông Tần Cương (Qin Gang) đã bị cách chức Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. Ông Vương Nghị (Wang Yi) – người tiền nhiệm của ông Tần – được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc. Quyết định hôm 25/7 không đụng đến chức danh Ủy viên Quốc vụ của ông Tần.

Thế giới - Trung Quốc: Ông Tần Cương bị cho thôi chức Bộ trưởng Ngoại giao

Ông Tần Cương đến dự một cuộc họp báo được tổ chức bên lề cuộc họp thường niên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (NPC) tại Bắc Kinh, ngày 7/3/2023. Ảnh: NBC 15 News

Sinh năm 1966 tại Thiên Tân, Bắc Trung Quốc, ông Tần bắt đầu làm việc tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc năm 1988 và trở thành tùy viên kiêm bí thư thứ ba Vụ Tây Âu của Bộ này từ năm 1992 đến 1995.

Sau đó, ông làm bí thư thứ ba và bí thư thứ hai của Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh từ năm 1995 đến năm 1999, sau đó trở thành bí thư thứ hai và phó giám đốc bộ phận. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm giám đốc bộ phận các vấn đề Tây Âu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Ông Tần là Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh từ năm 2002 đến năm 2005, sau đó ông trở lại Trung Quốc làm người phát ngôn của Bộ từ năm 2005 đến năm 2010.

Ông Tần được thăng chức Vụ trưởng Vụ thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào năm 2011 sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ công sứ của Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh từ năm 2010 đến năm 2011. Năm 2014, ông trở thành Vụ trưởng Vụ lễ tân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Ông Tần được thăng chức Thứ trưởng Ngoại giao vào năm 2018, và 3 năm sau trở thành Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ. Ông đến Mỹ vào tháng 7/2021 để đảm nhận vị trí Đại sứ Trung Quốc.

Ông Tần được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) lần thứ 13, vào ngày 30/12 năm ngoái, thay thế ông Vương Nghị – người chuyển sang giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Vương Nghị, một nhà ngoại giao kỳ cựu 70 tuổi, bắt đầu sự nghiệp của mình trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào năm 1982, và trở thành Tham tán tại Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản vào năm 1989 và sau đó là Tham tán Công sứ vào tháng 4/1993.

Sau đó, ông Vương được bổ nhiệm làm Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề châu Á của Bộ Ngoại giao Trung Quốc năm 1994 và sau đó là Vụ trưởng Vụ Các vấn đề châu Á từ năm 1995 đến 1998.

Ông Vương từng là Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc từ năm 2001 đến 2004 trước khi ông được bổ nhiệm làm Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản.

Ông Vương cũng từng là Giám đốc Văn phòng Công tác Đài Loan của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản trung Quốc (CPC) và Bộ trưởng Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Quốc vụ viện từ năm 2008 đến 2013.

Từ năm 2013 đến 2018, ông Vương giữ chức Bộ trưởng và Phó Bí thư Ủy ban Trung ương CPC, và từ năm 2018, ông là Ủy viên Quốc vụ, thành viên Nhóm Thành viên CPC hàng đầu của Quốc vụ viện và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc trước khi ông Tần Cương tiếp quản chức Ngoại trưởng vào năm 2022.

Thế giới - Trung Quốc: Ông Tần Cương bị cho thôi chức Bộ trưởng Ngoại giao (Hình 2).

Ông Vương Nghị được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Trung Quốc thay ông Tần Cương. Ảnh: CGTN

Lần cuối cùng ông Tần xuất hiện trước công chúng là vào ngày 25/6 trong cuộc gặp với Ngoại trưởng các nước Nga, Việt Nam và Sri Lanka, theo các phương tiện truyền thông.

Trả lời câu hỏi của Global Times trong cuộc họp báo đầu tiên với tư cách là Ngoại trưởng Trung Quốc bên lề Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc hồi tháng 3 về việc một số nước phương Tây thổi phồng việc Trung Quốc có thể cung cấp vũ khí cho Nga hay quan điểm cho rằng chỉ có Trung Quốc mới có thể chấm dứt khủng hoảng ở Ukraine, ông Tần cho biết Trung Quốc không phải là bên tạo ra cuộc khủng hoảng, cũng không phải bên liên quan trực tiếp.

“Trung Quốc đã làm gì để bị đổ lỗi, thậm chí bị trừng phạt và đe dọa? Điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được”, ông Tần nói.

Minh Đức (Theo Global Times)