Dữ liệu mới nhất của chính phủ Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đã vượt mục tiêu xây dựng trạm 5G trước thời hạn sáu tháng. Tính đến cuối tháng 6/2023, Trung Quốc đã xây dựng được 3 triệu trạm 5G. Số liệu này cũng là minh chứng cho thấy Trung Quốc đang bỏ xa Mỹ trong cuộc đua 5G.
Theo ghi nhận từ ước tính mới nhất, chỉ trong 3 tháng tính tới tháng 6/2023, Trung Quốc đã xây dựng hơn 600.000 trạm 5G bổ sung. Trong khi đó, Mỹ đã mất đến 2 năm từ 2019-2021 để xây dựng khoảng 100.000 trạm 5G.
Thiết bị được lắp đặt trên đỉnh trạm phát 5G ở khu vực Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Vào tháng 3/2023, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT) của Trung Quốc đã công bố kế hoạch xây dựng 2,9 triệu trạm phát 5G vào cuối năm nay.
“Tính đến cuối tháng 6, số lượng trạm 5G ở Trung Quốc đã lên tới 2,937 triệu, bao phủ tất cả các khu vực đô thị của các thành phố cấp quận và cấp huyện, phạm vi phủ sóng đang không ngừng mở rộng cả về chiều rộng và chiều sâu” , kỹ sư trưởng và người phát ngôn Zhao Zhiguo của MIIT phát biểu hôm 19/7.
Ông Zhao và một quan chức cấp cao khác của MIIT cho biết, sự phổ biến nhanh chóng của cơ sở hạ tầng truyền thông tiên tiến đã thúc đẩy quá trình nâng cấp công nghệ của các ngành công nghiệp Trung Quốc và tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu của họ.
Cũng theo ông Zhao, sự tăng lên nhanh chóng của các cơ sở hạ tầng truyền thông hiện đại đã giúp tăng tốc việc nâng cấp về công nghệ và tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu của các ngành công nghiệp tại Trung Quốc.
Ông Zhao cho biết, việc mở rộng mạng lưới nhanh chóng một phần là do nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Bắc Kinh. Ông nói: “Chúng tôi đã và đang tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin mới và thúc đẩy mạnh mẽ sự hội nhập sâu rộng giữa nền kinh tế kỹ thuật số và nền kinh tế thực”.
Theo SCMP , chi phí giảm và các cải tiến công nghệ đã thúc đẩy việc mở rộng quy mô mạng 5G tại Trung Quốc một cách nhanh chóng.
Giá trung bình cho một module 5G ứng dụng trong công nghiệp ở Trung Quốc đã giảm xuống dưới 400 nhân dân tệ (tương đương 55,41 USD), trong khi mức tiêu thụ năng lượng của mỗi trạm cũng giảm hơn 20% so với giai đoạn triển khai ban đầu vào năm 2019.
Tuy nhiên, có nhiều lo ngại cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái những tháng gần đây có khả năng ảnh hưởng đến việc đầu tư vào hạ tầng thông tin của quốc gia này.
Cũng có ý kiến chỉ trích việc đầu tư vào 5G của Trung Quốc là lãng phí, trong khi mạng 4G theo lý thuyết có thể đạt tốc độ tương tự với mạng 5G và đáp ứng đủ nhu cầu cho hầu hết người dùng.
Bà Tao Qing, giám đốc văn phòng điều phối và giám sát hoạt động của MIIT, cho biết 5G thiên về sản xuất thông minh hơn là truyền phát các video ngắn.
Theo bà, một số lượng lớn các xưởng kỹ thuật số và nhà máy thông minh hỗ trợ phát 5G đã được xây dựng trên khắp đất nước, đẩy hiệu quả sản xuất tăng trung bình 34,8%. Đồng thời, tỷ lệ sản phẩm bị lỗi trung bình cũng giảm hơn 27% và lượng khí thải carbon trung bình giảm hơn 20%.
Tại hơn 100 thành phố và hơn 1.000 khu công nghiệp, 5G đang giúp hàng trăm nghìn doanh nghiệp Trung Quốc cải thiện khả năng cạnh tranh toàn cầu của họ trên thị trường toàn cầu. Công nghệ này cũng đang hỗ trợ sự phát triển của các thành phố thông minh với khả năng giám sát và kiểm soát lưu lượng giao thông, mức tiêu thụ năng lượng và điều kiện môi trường theo thời gian thực, giúp tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực và cải thiện chất lượng cuộc sống.