Tự chế pháo nổ do mua trên mạng, 3 bệnh nhi phải cấp cứu tại bệnh viện

Admin

Ngày 18/12, chia sẻ với Người Đưa Tin, BS.CK1 Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Phó khoa Bỏng - Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, vừa cấp cứu thành công cho 3 bệnh nhi bị bỏng do pháo.

3 bệnh nhi bỏng do pháo

Theo đó, chỉ trong hai tuần, Khoa Bỏng - Chỉnh trực của Bệnh viện Nhi đồng 2 (Tp.HCM) đã tiếp nhận liên tiếp 3 trường hợp bệnh nhi liên quan đến hành vi chế pháo trong độ tuổi rất nhỏ, thích khám phá.

Những trường hợp gần đây cấp cứu do pháo diễn ra rải rác trong năm, tập trung nhiều dịp gần Tết. Các bệnh nhi mua pháo trên mạng, trong quá trình vận chuyển về nhà làm rơi hoặc chế pháo nổ, gây bỏng nặng.

Đó là em Đ.S.R. (giới tính nam, sinh năm 2012, ngụ tỉnh Bình Phước) đã lấy bột của hột quẹt diêm cho vào vòi của ruột xe để đập gây nổ. Vụ nổ khiến bàn tay trái của em bị vết thương chảy máu nhiều.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, em được bác sĩ Nguyễn Dy Lưu, Khoa Bỏng - Chỉnh trực tiếp nhận và khẩn trương phẫu thuật, ghi nhận vết thương dập nát mô cái, nhiều vết thương nham nhở ngón 1, 2, 3 và gãy hở xương bàn ngón 2 tay trái.

Trường hợp thứ 2 là em H.K.B. (16 tuổi, ngụ Lâm Đồng) chế pháo và chơi cùng 2 em nhỏ, nhưng B. bị bỏng và nhập viện.

Tự chế pháo nổ do mua trên mạng, 3 bệnh nhi phải cấp cứu tại bệnh viện- Ảnh 1.

Bệnh nhi bị bỏng nặng được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2. (Ảnh: BVCC)

Trước đó, nam bệnh nhi A.T.V. (sinh năm 2012, ngụ tỉnh Gia Lai) được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng bỏng độ 2 diện tích 35% do chơi pháo gây nổ, ghi nhận em có nhiều vết thương ở vùng mặt, ngực, cẳng bàn tay 2 bên, đùi và cẳng chân 2 bên..

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Dy Lưu, hằng năm tại Bệnh viện Nhi đồng 2 thường xuyên tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi liên quan đến pháo nổ, nhất là trong các dịp lễ, Tết.

Tổn thương do pháo nổ rất nặng

Nhằm phòng tránh tai nạn do pháo, BS.CK1 Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Phó Khoa Bỏng - Chỉnh trực của bệnh viện khuyến cáo rằng những tổn thương do pháo nổ để lại sẽ rất nặng, gia đình và nhà trường thường xuyên nhắc nhở trẻ tuyệt đối không được sử dụng các vật gây nổ, trộn các hoá chất để chế tạo pháo.

Tự chế pháo nổ do mua trên mạng, 3 bệnh nhi phải cấp cứu tại bệnh viện- Ảnh 2.

BS.CK1 Nguyễn Thị Ngọc Ngà, Phó Khoa Bỏng - Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi đồng 2 chia sẻ với PV. Ảnh: Nguyễn Lành

Thực trạng phỏng vết thương các bệnh nhi từ pháo rất nặng, nếu chân tay có thể tổn thương, có thể mất ít nhiều chức năng bàn tay bác sỹ có thể hỗ trợ điều trị giữ lại được bàn tay, còn liên quan đường hô hấp, mặt, ngực, bụng, đầu giác mạc thì tổn thương rất nặng phải điều trị lâu dài.

Và, phụ huynh đặc biệt chú trọng đối với các bé trong độ tuổi thích tìm tòi, khám phá không được sử dụng các vật gây nổ. Đồng thời giáo dục cho trẻ hiểu các mức độ nguy hiểm do pháo gây ra như gây cháy nổ, thương tích, tàn tật, thậm chí gây tử vong.

Tự chế pháo nổ do mua trên mạng, 3 bệnh nhi phải cấp cứu tại bệnh viện- Ảnh 3.

Những trẻ bị bỏng do pháo thường rất nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe. (Ảnh: BVCC).

"Theo tôi biết, thời điểm này gần Tết, ngoài gia đình, nhà trường có thể giáo dục cho trẻ về mối nguy hiểm pháo có biện phòng ngừa, tư vấn cho trẻ do phỏng từ pháo, vì phỏng có thể dẫn tới chấn thương não, có thể có những mãnh vỡ pháo găm trong cơ thể người… 

Chúng ta hãy cùng nhau nâng cao ý thức về hiểm họa của pháo nổ, nhất là trong thời gian gần Tết xuất hiện những video hướng dẫn làm pháo tự chế trên mạng", BS.CK1 Nguyễn Thị Ngọc Ngà chia sẻ thêm.

Nguyễn Lành