Tỷ giá USD/VND lên cao lịch sử, chính thức vượt mốc 25.500 đồng

Admin

Theo khảo sát lúc 11h sáng 13/11, tất cả ngân hàng lớn đều niêm yết giá bán USD tại 25.502 VND/USD – mức cao nhất lịch sử.

Tỷ giá USD/VND lên cao lịch sử, chính thức vượt mốc 25.500 đồng- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trong phiên giao dịch hôm nay (13/11), tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng mạnh 21 đồng lên mức 24.288 VND/USD. Đây là mức tỷ giá trung tâm cao nhất lịch sử kể từ khi cơ chế này được NHNN áp dụng từ đầu năm 2016.

Với biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch nằm trong khoảng từ 23.074 - 25.502 VND/USD.

Trong khi đó, tỷ giá mua - bán USD được Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên ở mức 23.400 - 25.450 VND/USD.

Song hành với diễn biến của tỷ giá trung tâm, tỷ giá USD/VND tiếp tục được các ngân hàng tăng kịch trần trong phiên sáng hôm nay. Theo khảo sát lúc 11h, tất cả ngân hàng lớn hiện đều niêm yết giá bán USD tại 25.502 VND/USD – mức cao nhất lịch sử. Tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng đã liên tục niêm yết ở mức sát, thậm chí kịch trần cho phép trong suốt 3 tuần trở lại đây.

Tính từ đầu năm đến nay, giá USD tại các ngân hàng tăng khoảng 1.100 đồng, tương đương mức tăng 4,4%. Riêng trong tháng 10 và tháng 11, VND đã mất hơn 3% giá trị so với USD.

Tỷ giá USD/VND lên cao lịch sử, chính thức vượt mốc 25.500 đồng- Ảnh 2.

Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên 12/11 ở mức 25.354 VND/USD, tăng 26 đồng so với phiên 11/11 và đưa tổng mức tăng từ đầu năm lên hơn 4,5%.

Tại thị trường tự do, tỷ giá USD hiện đang được các điểm thu đổi ngoại tệ giao dịch tại mức 25.570 VND/USD ở chiều mua và 25.670 VND/USD ở chiều bán, giảm khoảng 50 đồng ở cả hai chiều giao dịch so với mức khảo sát ngày hôm qua. Tính từ đầu năm, giá USD tự do hiện đã tăng khoảng 900 đồng, tương đương tăng 3,6%.

Tỷ giá USD trong nước bật tăng trong bối cảnh chỉ số USD Index (DXY), thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, tăng vọt lên 106 điểm vào sáng nay - mức cao nhất trong vòng 6 tháng qua.

Đồng USD duy trì xu hướng tăng liên tục so với các đồng tiền chủ chốt sau khi ông Donald Trump giành chiến thằng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và đảng Cộng hòa giành được đa số tại Thượng viện cũng như đang chiếm ưu thế trong cuộc đua tại Hạ viện. Các chính sách của ông Trump về hạn chế nhập cư bất hợp pháp, ban hành thuế quan mới có thể thúc đẩy tăng trưởng và cả lạm phát, làm giảm khả năng cắt giảm lãi suất của Fed và gia tăng sức mạnh cho đồng USD.

Bên cạnh sức ép từ thị trường quốc tế, tỷ giá USD/VND cũng chịu sức ép do nhu cầu ngoại tệ có xu hướng gia tăng do các yếu tố mùa vụ. Ngoài ra, nhu cầu mua ngoại tệ từ Kho bạc Nhà nước cũng là một trong những yếu tố khiến tỷ giá tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Theo Bộ phân nghiên cứu thị trường của ngân hàng ACB, diễn biến tỷ giá USD/VND hiện đang chịu ảnh hưởng từ đà tăng của đồng USD trên thị trường thế giới và một số nguồn mua USD lớn. Dự báo tỷ giá có thể hạ nhiệt trở lại trong nửa cuối tuần này khi các nguồn ngoại tệ về thị trường theo quan sát đã bắt đầu dồi dào hơn.

Trong bối cảnh tỷ giá USD/VND đang chịu sức ép lớn từ thị trường quốc tế và nhu cầu ngoại tệ trong nước gia tăng, NHNN đang triển khai cả hai công cụ là phát hành tín phiếu và bán ngoại tệ để 'ghìm cương' tỷ giá, tương tự giai đoạn quý 2 và đầu quý 3 vừa qua. Hoạt động điều hành của NHNN được đánh giá sẽ giúp kìm chế đà tăng nóng của tỷ giá, nhưng sẽ phần nào ảnh hưởng tới thanh khoản VND trên thị trường liên ngân hàng.

Tại phiên chất vấn trước Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận thị trường tiền tệ quốc tế diễn biến phức tạp. Đồng USD biến động phức tạp, khi có thời điểm giảm mạnh, từ quý III lại tăng và hiện biến động ở mức cao.

Những diễn biến này, theo bà Hồng đã tác động tới thị trường ngoại hối trong nước. "Việc ổn định tỷ giá, ngoại hối là khó khăn do phụ thuộc cung cầu thực trên thị trường, tức lượng ngoại tệ chi ra kinh tế và nguồn thu có được", bà Hồng nói.

Bên cạnh đó, thị trường ngoại hối còn tồn tại tình trạng đôla hóa, nên chịu tác động tâm lý kỳ vọng lớn. Tức là tổ chức, doanh nghiệp có ngoại tệ thì không bán, khi chưa cần ngoại tệ, họ đã mua, nên đây là thách thức của điều hành. Dù vậy, bà Hồng nói Ngân hàng Nhà nước kiên định mục tiêu điều hành tỷ giá, ngoại hối linh hoạt, phù hợp tình hình diễn biến thị trường. Hiện tỷ giá được phép dao động +/- 5%.

"Khi thị trường biến động quá lớn, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc bán ngoại tệ để ổn định, đáp ứng nhu cầu người dân", Thống đốc thông tin.