Cánh cửa thời gian dần khép lại
Hơn 2 tháng chiến đấu, cuộc phản công hiện nay của Ukraine đã có những dấu hiệu chững lại. Trong khi đó, quân đội Nga đang tiến công ở phía Bắc và kế hoạch huấn luyện phi công Ukraine sử dụng tiêm kích F-16 tiếp tục bị trì hoãn.
Binh lính Ukraine khai hỏa hệ thống tên lửa phóng loạt cỡ nhỏ về phía quân đội Nga ở khu vực Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters
Việc Ukraine không thể tạo nên thành công quyết định trên chiến trường làm dấy lên lo ngại rằng cuộc xung đột đi vào bế tắc và sự ủng hộ của phương Tây có thể sẽ giảm dần. Một báo cáo tình báo mới của Mỹ dự đoán, cuộc phản công này không thể đạt được mục tiêu giành lại thành phố Melitopol trong năm nay.
Trong khi đó, tâm lý mệt mỏi vì chiến tranh ở Ukraine ngày càng thúc đẩy giới lãnh đạo Kiev tìm kiếm chiến thắng và tại Washington, những lời kêu gọi giảm sự hỗ trợ cho Ukraine sẽ ngày càng gia tăng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Theo các nhà phân tích, nếu không sở hữu vũ khí hiện đại hơn để củng cố tiền tuyến hoặc các lực lượng tham chiến vẫn được giữ lại thì Ukraine khó có thể đảm bảo đột phá trong cuộc phản công này.
"Câu hỏi ở đây là bên nào sẽ hao hụt lực lượng sớm hơn", Franz-Stefan Gady, học giả cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế và Trung tâm An ninh Mỹ mới đánh giá. Ông cho rằng: "Chúng tôi không nghĩ sẽ có bất kỳ bên nào đạt được các mục tiêu quân sự quan trọng chỉ qua một đêm".
Chuyên gia Gady cũng nhận định, Nga và Ukraine đang trong giai đoạn "tiêu hao", tức là nỗ lực làm hao hụt nguồn lực của đối phương thay vì đảm bảo các bước tiến đáng kể về lãnh thổ. Trong khi các chiến dịch của lực lượng mặt đất phần lớn bị cản trở thì Ukraine đã tăng cường tấn công UAV vào lãnh thổ Nga, bao gồm cả các mục tiêu ở Moscow nhưng các cuộc tấn công này chỉ gây ra tổn thất tối thiểu.
Khi được hỏi về tiến triển của cuộc phản công, các quan chức phương Tây và Ukraine đã kêu gọi kiên nhẫn và cho biết cuộc giao tranh chậm hơn kỳ vọng nhưng vẫn tiếp tục đạt được thành quả.
Tuy nhiên, cảnh cửa thời gian để Ukraine tiến hành các chiến dịch tấn công đang dần khép lại. Năm ngoái, các lực lượng của Kiev hầu như không đạt được tiến triển sau khi tuyên bố giành lại thành phố Kherson ở phía Nam vào đầu tháng 11 bởi các điều kiện thời tiết không thuận lợi.
Đằng sau các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga
Trong khi các lực lượng mặt đất tiến công với nhịp độ chậm, Ukraine đang sử dụng các cuộc tấn công UAV để mở rộng thành quả quân sự khi chờ đợi thêm vũ khí tiên tiến và sự huấn luyện từ phương Tây, trong đó có các phương tiện trên không mạnh mẽ hơn, ông Yuriy Sak, Cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho hay.
"Chúng tôi chưa có tiêm kích F-16, vì thế, chúng tôi phải tìm cách bù đắp sự thiếu vắng đó bằng các UAV", quan chức Ukraine nói.
Tuyên bố của Ukraine về các cuộc tấn công vào Moscow ngày càng trở nên mơ hồ. Trong khi chính phủ nước này không công khai bình luận về các cuộc tấn công trên thì một vài quan chức lại thừa nhận sự liên quan.
Giới phân tích thận trọng đánh giá, trong khi các cuộc tấn công UAV có thể dịch chuyển sự chú ý khỏi cuộc phản công tiến triển chậm của Ukraine thì chúng không thể làm thay đổi cán cân xung đột theo hướng có lợi cho Kiev.
"Ukraine không có khả năng sản xuất UAV và tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga với đủ số lượng mục tiêu để làm xói mòn ý chí chiến đấu của Moscow", Bob Hamilton - Đại tá Lục quân Mỹ đã nghỉ hưu, đồng thời là người đứng đầu Chương trình Á - Âu thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại đánh giá.
Nga cũng sử dụng tác chiến điện tử hiện đại để đối phó với các UAV của Ukraine. Điện Kremlin khẳng định đã chặn đứng hàng loạt cuộc tấn công UAV của Ukraine trong tuần qua. Ngày 19/8, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã bắn hạ 20 UAV của Ukraine nhắm vào Crimea.
"Tôi không nghĩ có một hệ thống vũ khí đơn lẻ nào có thể trở thành viên đạn bạc", ông Hamilton bình luận.
Ukraine cũng đang tấn công vào các mục tiêu hậu cần của Moscow bằng vũ khí tầm xa trong nhiều tháng qua nhưng cho đến nay, hiệu quả của những cuộc tấn công này không được phản ánh trên tiền tuyến của Nga, chuyên gia Gady bình luận.
Chiến dịch tấn công tầm xa, còn được gọi là "tác chiến chiều sâu" có thể thành công khi các lực lượng của đối thủ không còn có thể huy động thêm lực lượng dự bị hoặc tiến hành các chức năng hỗ trợ cơ bản như tái cung cấp hậu cần.
Thay vì sụp đổ, các lực lượng của Nga đang tăng cường phòng thủ và thậm chí thực hiện các cuộc tiến công. Ở Đông Bắc Ukraine, các nhà chức trách Kupyansk đã ra lệnh sơ tán dân thường trên quy mô lớn. Thành phố này là một phần trong các vùng lãnh thổ Ukraine tuyên bố giành lại vào tháng 9 và tháng 10 năm ngoái.
Ở mặt trận phía Nam, các lực lượng của Ukraine tiếp tục triển khai các cuộc tiến công chậm mà chắc thay vì chiến lược chớp nhoáng như các chuyên gia phương Tây huấn luyện.
Tháng trước, Ukraine đã tiến công vào Staromaiorske. Ngôi làng đầu tiên Kiev giành được này làm dấy lên hy vọng cuộc tiến công sẽ là bước đột phá thay đổi nhịp độ phản công với các lực lượng dự trữ được phương Tây huấn luyện. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. 3 tuần sau, Ukraine tuyên bố giành lại ngôi làng Urozhaine gần đó và được cho là đã chịu tổn thất nặng nề.
Tiến đến biển Azov và chia cắt hành lang trên đất liền của Nga nối với Bán đảo Crimea là một trong những mục tiêu của Ukraine trong cuộc phản công này. Tuy nhiên, cuộc tiến công vào Staromaiorske không sử dụng chiến thuật mới. Các đơn vị trinh sát đã khảo sát phòng tuyến của Nga để tấn công vào các điểm yếu và điều các đơn vị nhỏ, thường là bộ binh di chuyển cùng với một đội rà phá mìn, Serhiy Kuzmin, người phát ngôn quân đội trong khu vực này cho hay.
"Để đưa các lực lượng dự trữ vào chiến đấu, chúng ta cần đảm bảo rằng các con đường đã được dọn sạch, Chúng tôi thà tiến công chậm để bảo toàn lực lượng", Cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Yuriy Sak nhận định.
Ukraine tuyên bố đã giành lại hơn 200km2 lãnh thổ kể từ khi cuộc phản công bắt đầu vào tháng 6 với những thành quả lớn nhất đạt được gần Bakhmut ở phía Đông và Orikhiv thuộc khu vực Zaporizhzhia ở phía Nam.
Để tạo đà tiến công và ra đòn tâm lý, Ukraine tăng cường các cuộc tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, nỗ lực mở rộng phạm vi giao tranh chủ yếu phụ thuộc vào UAV của Ukraine thay vì các vũ khí được phương Tây cung cấp bởi những hạn chế của việc sử dụng chúng để tấn công vào lãnh thổ của Moscow, các nhà phân tích cho hay.
Ukraine đã yêu cầu tên lửa tầm xa ATACMS từ Mỹ trong nhiều tháng nhưng cho đến nay, chính quyền Tổng thống Biden vẫn từ chối cung cấp khi dẫn ra những lý do như nguồn cung hạn chế và lo ngại leo thang xung đột với Nga. Các quan chức Mỹ cho biết Washington không không khuyến khích hay tạo điều kiện cho các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.