Động thái được xem là phép thử lớn đối với khả năng mở lại các tuyến đường biển của Ukraine trong bối cảnh Thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen hết hạn vào tháng 7/2023.
Căng thẳng leo thang ở Biển Đen. Ảnh minh họa: Reuters.
Trong một tuyên bố, hải quân Ukraine cho biết các tuyến đường đã được nước này đề xuất trực tiếp với Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO). Các tuyến đường sẽ chủ yếu được sử dụng cho các tàu dân sự đã cập cảng Chornomorsk, Odesa và Pivdenny của Ukraine, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt.
Người phát ngôn Hải quân Ukraine Oleh Chalyk cho biết hành lang nhân đạo tạm thời sẽ được vận hành một cách minh bạch. Các hoạt động vận chuyển trên hành lang này sẽ được ghi lại bằng camera lắp đặt trên tàu và Hải quân Ukraine sẽ phát trực tiếp các đoạn phim đó để chứng tỏ hành động này đơn thuần chỉ là một “nhiệm vụ nhân đạo” và không hề có mục đích quân sự.
Chủ sở hữu các tàu bị mắc kẹt tại Ukraine xác nhận rằng, họ sẵn sàng ra khơi nếu được phép đi qua các tuyến đường. Tuy nhiên, đến nay họ vẫn chưa rõ hành lang mới mà Ukraine thông báo thiết lập là như thế nào; trong khi hải quân Ukraine thừa nhận, vẫn còn những rủi ro về sự an toàn, nếu Nga không đồng ý.
Ước tính, có khoảng 60 tàu thương mại đã mắc kẹt tại các cảng Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở nước này. Do không chở lương thực, các tàu này không được ra khơi ngay cả khi Nga và Ukraine ký kết Thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Phần lớn thủy thủ đoàn trên các tàu này đã được sơ tán, để lại tàu cho người dân Ukraine tại địa phương trông nom.
Hiện chưa có bất kỳ phản ứng nào từ Nga. Tuy nhiên trước đó nước này cảnh báo mọi tàu hướng đến cảng Ukraine giáp Biển Đen sẽ bị coi là phương tiện vận chuyển hàng quân sự. Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo những quốc gia sở hữu những chiếc tàu cũng sẽ bị coi là bên tham gia vào xung đột và ủng hộ chính quyền Ukraine.
Về phía Liên Hợp Quốc, Phó phát ngôn Farhan Haq cho biết, điều hướng an toàn cho tàu buôn là một trong những lợi ích của Sáng kiến Biển Đen, mà Liên Hợp Quốc hy vọng có thể tiếp tục. Các nghĩa vụ của Luật Nhân đạo Quốc tế trên đất liền và trên biển cần được duy trì.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan kỳ vọng sẽ thuyết phục được người đồng cấp Nga Vladimia Putin quay trở lại Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen trong các cuộc thảo luận trong tháng 8. Mỹ cũng hứa sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đảm bào rằng Nga có thể tự do xuất khẩu lương thực trong trường hợp thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen được khôi phục lại.
Tuy nhiên, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: “Người Mỹ không cần cung cấp an ninh bởi an ninh đã được đảm bảo như một phần của thỏa thuận ngũ cốc. Nếu phía Mỹ muốn đóng góp cho thỏa thuận, họ hãy giúp thực hiện phần thỏa thuận ngũ cốc cho Nga. Đừng chỉ hứa hẹn rằng họ sẽ suy nghĩ về điều đó, mà họ hãy thực hiện nó. Ngay sau khi cam kết được thực hiện, thỏa thuận sẽ ngay lập tức được gia hạn. Điều đó đã được giới chức Nga, bao gồm cả Tổng thống Putin, nhắc đến nhiều lần".