USD thấp nhất hơn 1 năm, giảm so với tất cả các tiền tệ, vàng tăng mạnh sau dữ liệu lạm phát ‘dịu nhẹ’ của Mỹ

Admin

Đồng đô la Mỹ vấp ngã, giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm khi lạm phát giảm trong tháng 6.

Đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 6 đã được kiểm soát, củng cố dự đoán Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể chỉ tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay năm.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ tiền tệ của các đối tác chủ chốt của Mỹ - đã chạm 100,54, mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2022, sau một phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 2, giảm tới 1%.

Đồng bạc xanh cũng chạm mức thấp nhất kể từ đầu năm 2015 so với đồng franc Thụy Sĩ (CHF) do báo cáo lạm phát này, là 0,8660 franc – mức yếu nhất kể từ khi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ gỡ bỏ việc neo tỷ giá đồng tiền Thụy Sĩ, tháng 1 năm 2015.

Cập nhật trên thị trường trong nước, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ngày 12/7 giảm mạnh 15 đồng, hiện ở mức 23.772 đồng. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giảm, ở mức: 23.400 đồng - 24.910 đồng.

Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Tư báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tổng thể tháng 6 tăng với tốc độ hàng năm là 3%, thấp hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế và là mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2021. Mức tăng này cũng chậm lại đáng kể so với 4% của tháng 5, và chỉ bằng 1/3 so với mức đỉnh 9% vào tháng 6 năm 2022, cao nhất trong vòng 4 thập kỷ.

Dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng cốt lõi của Mỹ chỉ tăng 0,2% trong tháng 6 (so theo tháng), thấp hơn mức dự báo tăng 0,3%. Đây là mức tăng ít nhất kể từ tháng 8 năm 2021. So sánh theo năm, CPI cơ bản của Mỹ tháng 6 tăng 4,8%, cũng thấp hơn kỳ vọng của thị trường là 5%. Đó cũng là mức tăng CPI hàng năm nhỏ nhất trong hơn 2 năm.

Mặc dù đây chỉ là dữ liệu của một tháng, nhưng nếu có một kết quả tương tự đối với lạm phát tháng 7 có thể sẽ làm gia tăng tầm quan trọng của bài phát biểu tại Jackson Hole của Chủ tịch Fed Jerome Powell - những điều có thể được sử dụng để báo hiệu sự kết thúc chu kỳ thắt chặt của Fed.

 Lạm phát của Mỹ tháng 6 tăng thấp hơn dự kiến.

Simon Harvey, trưởng bộ phận phân tích ngoại hối của Monex Europe, trụ sở ở London, cho biết: "Việc công bố dữ liệu lạm phát lõi chậm lại đáng kể củng cố kịch bản cơ bản của chúng tôi và nhận định ban đầu của thị trường về quyết định lãi suất cuối cùng của Fed - rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ chỉ có thể tăng lãi suất thêm một lần nữa trong chu kỳ này".

Dữ liệu lạm phát "dẫn đến việc đồng USD kéo dài chuỗi ngày suy giảm – bắt đầu từ sau dữ liệu việc làm, với sự sụt giảm rõ rệt nhất đối với các loại tiền tệ bị định giá thấp và nhạy cảm với lợi suất của Mỹ, chẳng hạn như đồng crown Na Uy, đồng crown Thụy Điển và đồng yên Nhật," ông Harvey nói thêm.

Đồng euro tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2022, là 1,1134 USD/EUR, với mức tăng trong ngày lên đến trên 1,1%.

Jordan Rochester, chiến lược gia cao cấp về tiền tệ nhóm G10 của Nomura ở London, cho biết ông gia tăng tin tưởng vào giao dịch mua đồng euro của mình, nhắm tới mục tiêu EUR sẽ tăng lên 1,14 USD vào cuối tháng 9, từ mức 1,12 USD gần đây.

Ông cho biết thị trường đã xác định được những dữ liệu không tích cực đối với tăng trưởng của khu vực đồng euro, trong khi tại Mỹ, "áp lực giảm lạm phát... đang trở nên rõ ràng hơn với dữ liệu CPI cốt lõi khiến thị trường bất ngờ đi xuống."

So với đồng yên, đồng USD xuống mức thấp nhất 6 tuần, là 138,17 JPY/USD, giảm hơn 1,4% so với phiên liền trước.

Đồng bảng Anh đạt mức cao mới trong 15 tháng là 1,30 USD/GBP, tăng 0,4% so với phiên trước. Sự phục hồi của đồng bảng Anh đang được thúc đẩy bởi kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ tăng lãi suất nhiều hơn để chế ngự lạm phát tại quốc gia này – đang ở mức cao nhất so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào.

Thị trường hiện xác định có 88% khả năng lãi suất của Mỹ sẽ tăng thêm 1/4 điểm trong kỳ họp tháng 7, lên mức 5,25-5,50%, và chỉ có 24% cơ hội tăng tiếp theo sau đó.

Với những nghi ngờ về việc lãi suất có thể tăng 2 lần từ nay đến cuối năm, có rất ít dấu hiệu cho thấy tình trạng bán tháo hiện tại đối với đồng USD sẽ giảm bớt.

Giá vàng thế giới tăng hơn 1% sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ khiến USD giảm mạnh. Vàng giao ngay kết thúc phiên thứ Tư (12/7) tăng 1,3% lên 1.957,32 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 8 tăng 1,3% lên 1.961,70 USD.

Giá vàng trong nước ngày 12/7 cũng tăng mạnh, thêm 100.000 đồng/lượng, với Tập đoàn DOJI niêm yết chiều mua vào ở ngưỡng 66,55 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 67,2 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá mua - bán vàng tại DOJI là 650.000 đồng/lượng.

Tai Wong, một nhà giao dịch kim loại độc lập có trụ sở tại New York, cho biết: “Nếu vàng có thể vượt qua đường trung bình động 50 ngày – là 1.960 USD - thì sẽ kích hoạt nhiều đặt cược tăng giá hơn nữa."

Tham khảo: Refinitiv