Khoảng 10 ngày sau khi Moscow rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen với Ukraine do Liên Hợp Quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẽ tặng hàng chục nghìn tấn ngũ cốc miễn phí cho một số quốc gia nghèo ở châu Phi.
“Trong những tháng tới, chúng tôi sẽ có thể đảm bảo cung cấp cho Burkina Faso, Zimbabwe, Mali, Somalia, Cộng hòa Trung Phi (CAR) và Eritrea, mỗi nước 25.000-50.000 tấn ngũ cốc miễn phí”, ông Putin cho biết khi phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Châu Phi được tổ chức ở St Petersburg hôm 27/7.
“Tôi đã nói rằng đất nước chúng tôi có thể thay thế ngũ cốc Ukraine, cả trên cơ sở thương mại và viện trợ không hoàn lại cho những nước châu Phi cần sản phẩm này nhất và hơn thế nữa. Chúng tôi đang chuẩn bị có một vụ thu hoạch kỷ lục khác trong năm nay”, ông Putin nói.
Cả Nga và Ukraine đều là những nhà cung cấp quan trọng trên toàn cầu về lúa mạch, lúa mì, ngô, dầu hướng dương và các sản phẩm thực phẩm khác, mà nhiều nước đang phát triển phụ thuộc vào.
Lời hứa trên của Tổng thống Nga ngoài việc hoàn thành vai trò quan trọng của Moscow trong an ninh lương thực toàn cầu, còn phản ánh các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Điện Kremlin ở châu Phi.
Ngũ cốc miễn phí
Khi ông Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái, Đại hội đồng LHQ (UNGA) đã tổ chức bỏ phiếu về nghị quyết lên án Nga, đồng thời yêu cầu Moscow ngừng tấn công và rút quân ngay lập tức.
Trong 6 quốc gia châu Phi kể trên mà ông Putin lựa chọn tặng ngũ cốc, CAR, Mali và Zimbabwe đã bỏ phiếu trắng; Eritrea đã đứng về phía Nga và bỏ phiếu chống lại nghị quyết; Burkina Faso không bỏ phiếu; và chỉ có Somali bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết.
Mặc dù Somalia đã không đứng về phía Nga tại vòng bỏ phiếu trên, nhưng gần đây các nhà lãnh đạo quốc gia Đông Phi này cũng có dấu hiệu xích lại gần Moscow. Ngoại trưởng Somalia đã đến thăm Moscow vào tháng 5, và Điện Kremlin hứa sẽ hỗ trợ lời kêu gọi của Somalia về dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế, bao gồm lệnh cấm vận vũ khí, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin.
Ngoài ra, Mali và CAR hiện đang có hợp đồng an ninh với Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner của Nga. Ở Burkina Faso, Wagner cũng đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng.
Eritrea và Zimbabwe bị phương Tây coi là những “quốc gia pariah” (quốc gia bị bao vây, cấm vận kinh tế, cô lập về ngoại giao, bị ruồng bỏ trong cộng đồng quốc tế), và lời hứa hẹn về ngũ cốc miễn phí sẽ đưa họ đến gần Moscow hơn.
Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa nói tại Hội nghị Thượng đỉnh rằng đất nước ông đã có đủ nguồn lực để tự đảm bảo an ninh lương thực, nhưng dù sao cũng cảm ơn người đồng cấp Nga. Còn ông Savadogo Mahamadi, người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Burkina Faso, gọi đề nghị này là “một điều rất tốt”.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Phi khác có thể thất vọng nếu ngũ cốc là tất cả những gì Nga cung cấp cho lục địa này. Tại một hội nghị thượng đỉnh tương tự ở Sochi vào năm 2019, Điện Kremlin hứa sẽ tăng gấp đôi thương mại với châu Phi và mở rộng quan hệ kinh tế ra ngoài 4 đối tác thương mại chính là Ai Cập, Algeria, Maroc và Nam Phi.
Ông Mvemba Dizolele, người đứng đầu Chương trình châu Phi tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết nền kinh tế thời chiến của Nga có thể gặp khó khăn để thực hiện tốt những lời hứa này.
“Châu Phi thiếu niềm tin với phương Tây”, ông Dizolele nói. “Điều đó không có nghĩa là họ thừa lòng tin với Nga”.
Ông Wandile Sihlobo, một nhà kinh tế nông nghiệp ở Nam Phi, nói rằng lời hứa về ngũ cốc của ông Putin không phủ nhận sự cần thiết phải khởi động lại Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, một thỏa thuận do LHQ làm trung gian trong một năm qua cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc an toàn qua Biển Đen.
“Thỏa thuận ngũ cốc phải được thiết lập lại”, ông Sihlobo nói. “Các nhà lãnh đạo châu Phi nên nhấn mạnh vấn đề này và không nên để Điện Kremlin dụ dỗ thông qua việc cung cấp ngũ cốc miễn phí”.
Trung tâm hậu cần
Ngoài vấn đề lương thực, tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Châu Phi hôm 27/7, Tổng thống Nga Putin cũng đề xuất thiết lập một trung tâm hậu cần bên bờ biển của “lục địa đen” để kết nối với tuyến đường thay thế, gọi là Hành lang Giao thông Bắc-Nam Quốc tế (INSTC).
Theo ông Putin, INSTC có thể cung cấp cho hàng hóa của Nga một tuyến đường ngắn hơn đến châu Phi so với đi qua Kênh đào Suez. Moscow đang “tích cực tham gia vào việc định hướng lại các luồng vận tải và hàng hóa tới các quốc gia ở Nam Bán cầu, tất nhiên bao gồm cả châu Phi”, ông Putin giải thích.
INSTC, được quảng cáo là một giải pháp thay thế cho Kênh đào Suez, là một hệ thống vận chuyển đa chế độ dài 7.200 km đã được lên kế hoạch sẽ kết nối các tuyến đường tàu, đường sắt và đường bộ để vận chuyển hàng hóa giữa Nga, Iran, Azerbaijan, Ấn Độ và Trung Á.
“Hành lang vận tải quốc tế Bắc-Nam mà chúng tôi đang phát triển nhằm cung cấp cho hàng hóa của Nga quyền tiếp cận Vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương, từ đó họ có thể đến lục địa châu Phi thông qua tuyến đường biển ngắn nhất. Đương nhiên, hành lang này cũng có thể được sử dụng theo hướng ngược lại – để cung cấp hàng hóa châu Phi cho thị trường Nga”, ông Putin nói.
Theo ông Putin, Nga đang tìm cách đảm bảo khả năng kết nối xuyên suốt tuyến đường và triển khai các tuyến vận chuyển hàng hóa thông thường. Khối lượng hàng hóa vận chuyển qua INSTC dự kiến sẽ tăng gần gấp 3 lần trong 7 năm tới, và nhà lãnh đạo Nga đề xuất thành lập một trung tâm hậu cần cho hành lang trên bờ biển châu Phi.
“Việc mở một trung tâm vận tải và hậu cần của Nga tại một trong những cảng trên bờ biển châu Phi sẽ là một điều tốt, một khởi đầu tốt cho công việc chung này. Chúng tôi cho rằng điều quan trọng là đảm bảo phạm vi bao phủ rộng hơn của lục địa châu Phi với các chuyến bay trực tiếp và tham gia vào việc phát triển mạng lưới đường sắt châu Phi – đây là những nhiệm vụ chính mà chúng tôi đề xuất với những người bạn châu Phi của chúng tôi cùng hợp tác”, ông Putin nói.
Nga đã nhiều lần gợi ý rằng INSTC có thể trở thành một giải pháp thay thế cho Kênh đào Suez, tuyến đường thủy dài 193 km ở Ai Cập nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ. Khoảng 12% thương mại toàn cầu đi qua nó mỗi ngày.
Việc xây dựng INSTC bắt đầu vào đầu những năm 2000, nhưng việc phát triển nó hơn nữa đã tạo ra một động lực mới do các biện pháp trừng phạt của phương Tây buộc Nga phải chuyển dòng chảy thương mại từ châu Âu sang châu Á và Trung Đông.
Tổng lưu lượng hàng hóa dọc theo INSTC là 14,5 triệu tấn vào năm 2022, và dự báo cho năm nay là 17,6 triệu tấn, theo Bộ Giao thông Vận tải Nga. Đến năm 2030 con số này dự kiến sẽ đạt 41 triệu tấn.
Minh Đức (Theo NY Times, RT, NBC News)