Vì sao lợi nhuận của Tập đoàn xây dựng Hòa Bình tăng đột biến?

Admin

Tuần này, có 21 doanh nghiệp thông báo chốt quyền để trả cổ tức. Trong đó, 15 doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt, 2 doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu, 1 doanh nghiệp thưởng cổ phiếu, 1 doanh nghiệp chốt quyền mua cổ phiếu. Ngoài ra, còn có một số thông tin đáng chú ý như Dịch vụ Hòa Hải bán hơn 21 triệu cổ phiếu Công ty CP Cảng Sài Gòn, lợi nhuận HBC tăng mạnh…

Người nhà MSB bán bớt cổ phiếu

Từ ngày 31/7 - 4/8, có 21 doanh nghiệp thông báo chốt quyền để trả cổ tức . Trong đó, 15 doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt, 2 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu, 1 doanh nghiệp thưởng cổ phiếu, 1 doanh nghiệp chốt quyền mua cổ phiếu, 2 trả cổ tức kết hợp cả cổ phiếu và tiền mặt.

Cụ thể, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã chứng khoán: VNM) cho biết, ngày 14/8 sẽ chốt danh sách cổ đông thanh toán cổ tức còn lại của năm 2022 và tạm ứng cổ tức đợt 1 năm nay bằng tiền với tỷ lệ 24,5%. Thời gian thanh toán từ ngày 5/10.

Vì sao lợi nhuận của Tập đoàn xây dựng Hòa Bình tăng đột biến? - Ảnh 1.

Vinamilk sẽ phải chi hơn 5.120 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.

Cụ thể, công ty sẽ thanh toán cổ tức còn lại của năm 2022 là 9,5% và tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 là 15%. Với gần 2.090 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Vinamilk sẽ phải chi hơn 5.120 tỷ đồng để trả cổ tức cho các cổ đông hiện hữu. Trước đó, Vinamilk đã thực hiện 2 đợt tạm ứng cổ tức năm 2022, gồm đợt 1 trả 15% vào tháng 8/2022 và đợt 2 với tỷ lệ 14% vào tháng 2 năm nay.

Vào ngày 3/8, Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (mã chứng khoán: SCS) sẽ chốt quyền nhận cổ tức năm 2022 đợt cuối bằng tiền mặt với tỷ lệ 35%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu SCS sẽ được nhận 3.500 đồng cổ tức. Ngày thanh toán dự kiến là 18/8.

Với 94,4 triệu cổ phiếu đang được lưu hành, dự kiến Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn sẽ chi khoảng 330 tỷ đồng để chi trả cổ tức đợt này. Trước đó, công ty đã tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2022 vào tháng 12/2022 với tỷ lệ 25% bằng tiền mặt.

Công ty CP Tân Cảng - Phú Hữu (mã chứng khoán: PNP) dự kiến vào 28/8 sẽ thanh toán cổ tức với tỷ lệ 16%. Với hơn 16 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp dự kiến sẽ chi khoảng 26 tỷ đồng để trả cổ tức trong đợt này.

Ông Phạm Lê Việt Anh thông báo bán hơn 2,1 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (mã chứng khoán: MSB) trong thời gian từ ngày 1 - 30/8 nhằm mục đích đầu tư tài chính. Nếu bán thành công, ông Việt Anh sẽ giảm sở hữu tại MSB từ hơn 4,1 triệu cổ phần xuống còn 2 triệu cổ phần.

Vì sao lợi nhuận của Tập đoàn xây dựng Hòa Bình tăng đột biến? - Ảnh 2.

Ông Phạm Lê Việt Anh bán hơn 2,1 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam trong thời gian từ ngày 1 - 30/8.

Về mối liên hệ, ông Việt Anh là con trai của bà Lê Thị Liên - Thành viên Hội đồng quản trị MSB. Cá nhân bà Liên hiện đang sở hữu 636,961 cổ phần MSB. Ước tính ông Việt Anh có thể thu về gần 29 tỷ đồng sau khi hoàn tất thương vụ.

Công ty CP Thương mại Dịch vụ Hòa Hải thông báo, sẽ bán toàn bộ gần 21,3 triệu cổ phiếu đang nắm giữ tại Công ty CP Cảng Sài Gòn (mã chứng khoán: SGP) trong thời gian từ 31/7 - 29/8 để cơ cấu danh mục đầu tư . Số lượng gần 21,3 triệu cổ phần SGP tương đương gần 10% vốn điều lệ tại SGP. Nếu bán thành công, Công ty Hòa Hải sẽ không còn là cổ đông của SGP.

Doanh thu giảm nhưng lợi nhuận HBC tăng mạnh

Ông Dương Nhất Nguyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank - mã chứng khoán: VBB) mua thành công gần 1,5 triệu cổ phiếu VBB như đăng ký trong ngày 18/7. Sau giao dịch, ông Nguyên nâng tỷ lệ sở hữu tại VietBank lên 3,36% vốn điều lệ, tương đương hơn 16 triệu cổ phần VBB.

Ông Nguyễn Văn Thịnh trở thành cổ đông lớn của Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã chứng khoán: NBB) sau khi mua thỏa thuận gần 1,75 triệu cổ phiếu trong phiên 19/7. Trước đó, ông Thịnh sở hữu gần 3,48 triệu cổ phần NBB, chiếm tỷ lệ 3,46% vốn điều lệ. Sau khi mua thêm gần 1,75 triệu cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu của ông Thịnh tại NBB tăng lên mức 5,22% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn tại đây.

Phiên giao dịch ngày 19/7, thị trường ghi nhận 1,75 triệu cổ phiếu NBB được giao dịch theo hình thức thỏa thuận, với tổng giá trị đạt gần 30 tỷ đồng, tương đương giá bình quân 16.943 đồng/cổ phiếu, cao hơn 4% so với giá chốt phiên hôm đó.

Theo báo cáo tài chính quý II của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC), doanh thu thuần trong kỳ giảm 45%, còn gần 2.300 tỷ đồng. Doanh thu tài chính cũng ghi nhận sự sụt giảm 49%, còn hơn 93 tỷ đồng do lãi bán các khoản đầu tư chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ.

Vì sao lợi nhuận của Tập đoàn xây dựng Hòa Bình tăng đột biến? - Ảnh 3.

Nhờ đột biến từ lợi nhuận thanh lý tài sản, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình lãi ròng hơn 103 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Chi phí tài chính quý II tăng 2%, lên hơn 142 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí quản lý lại gấp gần 3 lần cùng kỳ, với 436 tỷ đồng. Việc chi phí quản lý tăng mạnh chủ yếu do công ty phải trích lập dự phòng hơn 317 tỷ đồng dành cho các khoản nợ phải thu khó đòi.

Điểm sáng hiếm hoi của HBC trong quý này là khoản lợi nhuận khác 653 tỷ đồng, phần lớn đến từ hoạt động thanh lý tài sản cố định, vật tư trong kỳ. Nhờ đột biến từ lợi nhuận thanh lý tài sản, HBC lãi ròng 547 tỷ đồng, gấp hơn 12 lần so với cùng kỳ.

Với mức lỗ ròng trong quý I, lãi ròng lũy kế 6 tháng đầu năm của HBC ở mức hơn 103 tỷ đồng, tăng 80%. Dù vậy, so với kế hoạch lãi sau thuế 125 tỷ đồng đề ra cho năm nay, công ty đã thực hiện được hơn 81% chỉ tiêu.

Tại thời điểm ngày 30/6, tổng tài sản của HBC ghi nhận gần 15.000 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt và khoản phải thu giảm lần lượt 44% và 2%, xuống còn 304 tỷ đồng và hơn 10.000 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả của HBC là hơn 13.000 tỷ đồng, giảm 7% so với quý I. Trong đó, tổng nợ vay giảm 16%, về mức hơn 5.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong 3 tháng qua, HBC phát sinh khoản vốn góp hơn 193 tỷ đồng vào Công ty TNHH Bất động sản Thành Ngân. Hiện tại, Công ty Thành Ngân đã trở thành công ty liên kết của HBC sau khi HBC sở hữu 25% vốn điều lệ của công ty này.