Vì sao một số quan chức vụ Việt Á nhận tiền không bị truy tố tội nhận hối lộ?

Admin

Người phát ngôn Bộ Công an lý giải việc vì sao trong vụ Việt Á, một số lãnh đạo nhận số tiền cảm ơn lớn nhưng không bị truy tố về tội nhận hối lộ.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, chiều 9/9, phóng viên đặt câu hỏi liên quan việc phân loại tội phạm vụ Việt Á: " Theo kết luận, một số lãnh đạo dù nhận số tiền cảm ơn lớn nhưng chỉ bị đề nghị truy tố tội lợi dụng chức vụ và vi phạm quy định về đấu thầu. Bộ Công an lý giải sao về điều này? Cơ quan điều tra Bộ Công an có tính tới việc mở rộng vụ án này không? ".

Trả lời vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an cho biết, phương thức, cách thức và hoàn cảnh nhận tiền của các bị can trong vụ Việt Á rất khác nhau.

Vì sao một số quan chức vụ Việt Á nhận tiền không bị truy tố tội nhận hối lộ? - Ảnh 1.

Trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an.

" Có bị can đặt điều kiện, nêu thoả thuận với đối tượng đưa tiền và họ nhận tiền xong mới xử lý công việc. Có bị can không đưa ra yêu cầu, không đưa ra điều kiện hay thỏa thuận nào trong xử lý công việc và họ nhận tiền, quà sau khi công việc đã hoàn thành. Hành vi, động cơ khác nhau trong việc nhận tiền sẽ bị xử lý khác nhau ", ông Tô Ân Xô nói.

Trung tướng Tô Ân Xô nêu rõ, Bộ Công an đã đề nghị truy tố 38 bị can với 6 tội danh. Theo ông, việc khởi tố điều tra, đề nghị truy tố các bị can về các tội danh trên đã được Bộ Công an tiến hành khoa học, thận trọng, khách quan, toàn diện, triệt để, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.

" Quán triệt và thực hiện chủ trương nhân văn, nhân ái nhưng cũng rất nghiêm khắc. Theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần có sự phân hoá rõ với từng bị can, từng hành vi tội phạm một cách thấu đáo, phân tích đánh giá toàn diện, xem tình tiết nào tăng nặng, tình tiết nào giảm nhẹ trách nhiệm, tình tiết nào khoan hồng trên nguyên tắc không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ ", ông Xô nói thêm.

Vừa qua Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công đã hoàn tất kết luận điều tra, đồng thời đề nghị VKSND Tối cao truy tố 38 bị can liên quan đến vụ án "thổi giá" kit xét nghiệm của Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).

Theo đó, 6 người bị cáo buộc Nhận hối lộ gồm: cựu Bộ trưởng Y tế ông Nguyễn Thanh Long; cựu Thư ký Bộ trưởng Y tế Nguyễn Huỳnh; cựu Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Minh Tuấn; cựu Vụ trưởng Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên; cựu Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến; cựu Vụ phó Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Trịnh Thanh Hùng.

Cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và cựu Thứ trưởng Phạm Công Tạc, bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Trường hợp cựu Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng, Cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị VKSND Tối cao xem xét phê chuẩn quyết định thay đổi tội danh khởi tố từ Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng sang Nhận hối lộ.

Kết luận điều tra cho rằng, do ông Thăng chỉ đạo, dẫn đến CDC Hải Dương hợp thức thủ tục đấu thầu, ký hợp đồng và thanh toán hơn 147 tỷ đồng cho Công ty Việt Á từ nguồn ngân sách Nhà nước trái quy định, gây thiệt hại hơn 73 tỷ đồng.

Theo kết luận điều tra, cựu Bí thư tỉnh ủy Hải Dương được ông Phan Quốc Việt đưa cho 100.000 USD (tương đương hơn 2,3 tỷ đồng).

Quá trình CDC Hải Dương hợp thức hồ sơ đấu thầu, ký hợp đồng, thanh toán tiền cho Công ty Việt Á, sau khi thỏa thuận và nhận 27 tỷ đồng tiền % ngoài hợp đồng của Công ty Việt Á, ông Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC Hải Dương) đã đưa cho ông Phạm Xuân Thăng 600 triệu đồng và 50.000 USD (tương đương hơn 1,1 tỷ đồng).