Chuyến tàu đặc biệt xuất phát từ thủ đô Bình Nhưỡng đã vượt 680 km đưa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tới Nga. Đây là chuyến công du quốc tế đầu tiên của nhà lãnh đạo Triều Tiên kể từ năm 2019. Điều trùng hợp là chuyến công du quốc tế cuối cùng của ông Kim vào thời điểm đó cũng là tới Nga.
Ông Kim Jong Un đã đến Nga hôm 12/9, với điểm dừng chân đầu tiên là nhà ga Khasan ở Vùng Primorsky, nơi ông được phái đoàn Nga chào đón.
Thống đốc Primorsky Oleg Kozhemyako cho biết trên kênh Telegram của mình rằng ông và Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Alexander Kozlov đã có cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ngay sau khi ông đến Nga.
Ga Khasan có một địa danh lịch sử là Nhà Hữu nghị Triều-Nga, được thành lập vào năm 1986 để kỷ niệm chuyến thăm đầu tiên của ông Kim Il Sung – ông nội của ông Kim Jong Un – tới Liên Xô khi đó.
Trong chuyến thăm Nga lần này, ông Kim Jong Un sẽ hội đàm trực tiếp và dự tiệc chiêu đãi cùng với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm 12/9.
Ông Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ thảo luận về các vấn đề hợp tác song phương giữa Moscow và Bình Nhưỡng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả những lĩnh vực nhạy cảm, ông Peskov nói với các phóng viên.
“Trên hết, các vấn đề liên quan đến quan hệ song phương, hợp tác, thương mại, kinh tế và trao đổi văn hóa sẽ được thảo luận. Chắc chắn sẽ có sự trao đổi ý kiến sâu sắc về tình hình khu vực và các vấn đề quốc tế nói chung, bởi vì đây là điều được cả ông Putin và vị khách của chúng tôi đến từ Bình Nhưỡng quan tâm”, vị quan chức Điện Kremlin nói.
“Đương nhiên, là láng giềng, hai nước chúng ta hợp tác trong một số lĩnh vực nhạy cảm nhất định mà không nên tiết lộ hoặc công bố công khai”, ông Peskov nhấn mạnh.
Ông lưu ý rằng, nếu cần thiết, Nga sẵn sàng thảo luận về các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên. Bình luận về việc Nhà Trắng cảnh báo Triều Tiên không bán vũ khí cho Nga, người phát ngôn Điện Kremlin cho biết Moscow không quan tâm đến nhận xét của Washington khi đàm phán với Triều Tiên.
Minh Đức (Theo Sputnik, TASS)