Việt Nam còn nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ sang Anh

Admin

Hiện Anh nhập khẩu rất nhiều các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh của Việt Nam, dự báo những tháng tới với nhiều tín hiệu khả quan.

Tín hiệu mừng ở những tháng cuối năm

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tại thị trường Anh, Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 13, còn Ecuador, Mauritius và Seychelles đang dẫn đầu thị trường này. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Anh trong những tháng cuối năm sẽ vẫn tiếp tục khả quan, VASEP dự báo.

Theo báo Đầu Tư, nguyên nhân là do năm nay, hiện tượng El Nino kéo dài khiến cho lượng mưa tại kênh đào Panama giảm, từ đó ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa của các nước Nam Mỹ, trong đó có Ecuador, sang các nước châu Âu qua kênh đào Panama. Các công ty vận tải biển phải lựa chọn các tuyến đường thay thế, ví dụ đi vòng qua eo biển Magellan, ở mũi Nam Mỹ, với đoạn đường di chuyên tăng thêm hàng nghìn km.

“Vì thế, có thể nói đây là cơ hội cho các nước châu Á, trong đó có Việt Nam tăng xuất khẩu cá ngừ sang các nước châu Âu, trong đó có Anh”, VASEP nhận định.

Hiện Anh nhập khẩu rất nhiều các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh của Việt Nam, chiếm tới 99% tổng kim ngạch xuất khẩu. So với cùng kỳ, xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam sang Anh tăng tới 98%. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ chế biến và đóng hộp lại giảm.

Xu hướng thị trường - Việt Nam còn nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ sang Anh

Ảnh minh họa.

Sau khi sụt giảm lấy đà tăng

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, sau khi sụt giảm mạnh 51% trong tháng 5/2023 xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Anh tiếp tục tăng trong 2 tháng sau đó. Sự tăng trưởng này đã góp phần nâng tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Anh trong 7 tháng đầu năm 2023 lên cao hơn 77% so với cùng kỳ năm 2022, đạt hơn 4,5 triệu USD.

Nhìn vào bức tranh tổng thể, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, giá cá ngừ nguyên liệu tăng càng khiến cho nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tại nhiều thị trường sụt giảm, VASEP tin rằng các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam tại các thị trường như Anh vẫn giữ được sức cạnh tranh nhờ lợi thế từ Hiệp định thương mại giữa Việt Nam - Anh (UKVFTA).

Đáng chú ý, trước đó vào ngày 16/7, Vương quốc Anh đã ký kết thỏa thuận và chính thức trở thành thành viên thứ 12 của khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Sự gia nhập của Anh kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại của nước này và các thành viên thuộc khối CPTPP, trong đó có Việt Nam.

“Cùng với UKVFTA, những ưu đãi từ CPTPP sẽ mở ra cơ hội cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam vào thị trường Anh, trong đó có cá ngừ”, VASEP bày tỏ tin tưởng.

Được biết, 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam vẫn thấp hơn 28% so với cùng kỳ, đạt 458 triệu USD. Sức mua tại một số thị trường chính vẫn thấp đã ảnh hưởng tới xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của cá ngừ Việt Nam, đã ghi nhận mức kim ngạch xuất khẩu giảm tới 49% so với giai đoạn 2022, xuống còn 171 triệu USD. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu cá ngữ ghi nhận tăng trưởng dương tại một số thị trường khác như Anh, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức,…

Thời gian qua, thị trường EU có dấu hiệu phục hồi, đạt mức tăng trưởng 28% trong tháng 6 và tháng 7, với kim ngạch 12 triệu USD/tháng. Đáng chú ý, trong khối EU, xuất khẩu sang Hà Lan liên tục tăng trưởng “phi mã” trong 2 tháng gần đây ở mức 3 con số; sang Đức vẫn đang duy trì mức tăng 30% trong tháng 6 và tháng 7. Xuất khẩu cá ngừ sang Mexico và Chile cũng tăng mạnh lần lượt là 100% và 90%; Thái Lan đang tăng cao ở mức 65% trong hai tháng gần đây.

Trao đổi với báo Công Thương, bà Nguyễn Hà - Chuyên gia thị trường Cá ngừ (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam) cho biết: Các công ty vận tải biển phải lựa chọn các tuyến đường thay thế. Eo biển Magellan, ở mũi Nam Mỹ, là tuyến đường thủy tự nhiên nhưng cách Kênh đào Panama khoảng 7.000 km và cách Cảng Manta gần 6.000 km, do đó là một đường vòng rất lớn cho tàu container. Vì thế, có thể nói đây là cơ hội cho các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam tăng xuất khẩu cá ngừ sang nước châu Âu, trong đó có Anh.

8 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 20,2 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,2 tỷ USD.

Chia sẻ xoay quanh tổng thể bức tranh xuất khẩu, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết, dù trong 8 tháng năm 2023 kim ngạch xuất khẩu vẫn giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên tính riêng từng tháng cho thấy những tín hiệu tích cực. Nếu như từ tháng 1 đến tháng 4 liên tục suy giảm, thì sang đến tháng 5 cho tới tháng 8, xuất khẩu đã lấy lại được đà tăng trưởng dương.

“Sự phục hồi này là kết quả của những nỗ lực trong việc xây dựng thể chế, chính sách nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu; đồng thời tận dụng hiệu quả những cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA)”, ông Trần Duy Đông chia sẻ với báo Công Thương.

Trúc Chi (t/h)