Việt Nam mong muốn tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI

Admin

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết về phát huy tốt nhất thế mạnh của lao động Việt Nam trong hợp tác với Singapore nhằm đẩy mạnh đổi mới sáng tạo.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Khu vực Singapore ngày 7/7, phiên đối thoại các Bộ trưởng với chủ đề Tăng cường hợp tác khu vực vì một tương lai bền vững đã được diễn ra.

Phát biểu phiên đối thoại, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã thể hiện rõ quan điểm của Việt Nam về quan hệ hai nước đang ở giai đoạn hết sức tốt đẹp. Các quan hệ Đầu tư, thương mại cho thấy sự tin tưởng của Singapore vào cuộc cải cách và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam”.

Theo Bộ trưởng Dũng, Việt Nam và Singapore luôn xác định 6 trụ cột hợp tác kết nối giữa hai nền kinh tế, giờ có thể mở rộng thêm kinh tế số, kinh tế xanh. Qua đó, tận dụng những cơ hội mới để phát triển năng lượng tái tạo, đào tạo nguồn nhân lực trong sự kết nối và tăng trưởng chung của khu vực. 

Xu hướng thị trường - Việt Nam mong muốn tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên đối thoại Bộ trưởng.

Nguồn nhân lực Việt Nam dồi dào là lợi thế nhưng nếu thiếu đào tạo thì lợi thế này không được phát huy. Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng và 10 năm nữa bước vào giai đoạn già hóa dân số.

“Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết để Việt Nam hợp tác với Singapore, làm thế nào phát huy tốt nhất thế mạnh của lao động Việt Nam, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, phục vụ ngay cho các doanh nghiệp Singapore và hai nền kinh tế”, Bộ trường Nguyễn Chí Dũng nói. 

Quan sát các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, Bộ trưởng KH&ĐT chỉ ra vấn đề, đó là các doanh nghiệp này đang tách dần với doanh nghiệp nội địa. Doanh nghiệp Việt Nam khó có điều kiện vươn lên đảm bảo tiêu chuẩn kết nối được với doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào chuỗi cung ứng.

“Đây là thách thức rất lớn đối với Việt Nam. Chúng tôi rất mong các doanh nghiệp FDI nói chung và doanh nghiệp Singapore nói riêng có thể hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trên tinh thần chia sẻ, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau. Như vậy, doanh nghiệp nội địa sẽ được tạo điều kiện tốt hơn vươn lên cùng với các doanh nghiệp Singapore tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh tầm quan trọng của các hiệp định thương mại tự do (FTA): “Các FTA đã giúp Việt Nam thiết lập được quan hệ thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, tạo cơ sở vững chắc cho việc tăng cường thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư cũng như tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế trong khu vực và trên toàn cầu”.

Xu hướng thị trường - Việt Nam mong muốn tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI (Hình 2).

Trong 3 năm trở lại đây, bất chấp những khó khăn từ dịch bệnh, kim ngạch xuất khẩu song phương Việt Nam và Singapore vẫn ghi nhận tăng trưởng tích cực.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của mình, Việt Nam luôn chủ động hợp tác, chặt chẽ và hiệu quả với Singapore. Trong số 15 FTA đã có hiệu lực, 9 FTA Việt Nam và Singapore đều là thành viên, điều đó cho thấy sự gần gũi, tương đồng về quan điểm, lợi ích và định hướng phát triển giữa hai nước.

Việc thực thi các FTA đem lại tác động tích cực cho nền kinh tế và cho quá trình hiện đại hóa đất nước, có thể kể đến như mở rộng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu, nâng cao giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, cơ cấu lại nền kinh tế, từ chuyển đổi đổi theo hướng tích cực, môi trường kinh doanh theo hướng đơn giản, minh bạch.

Về trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Singapore trong 3 năm trở lại đây, bất chấp những khó khăn từ dịch bệnh, kim ngạch xuất khẩu song phương vẫn ghi nhận tăng trưởng tích cực. Cụ thể, năm 2022 tổng kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 9,1 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, Việt Nam và Singapore với tư cách là đối tác chiến lược, cần phối hợp tác chặt chẽ trong việc xử lý các nội dung mới như kinh tế xanh, kinh tế số, phát triển logistic,..

“Để đạt được hiệu quả, tôi cho rằng không chỉ có sự hợp tác của cơ quan nhà nước mà còn có sự vào cuộc, phối hợp, kết nối giữa các doanh nghiệp hai bên, đóng vai trò vô cùng quan trọng”, Thứ trưởng Tân cho biết.

Ông Wee Ee Cheong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Ngân hàng United Overseas Bank Limited (UOB) cho biết: “Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong những năm gần đây là một trong những mức tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực. Với mạng lưới rộng khắp của chúng tôi ở Asean, UOB có vị trí thuận lợi để kết nối các công ty toàn cầu với khu vực đang phát triển nhanh chóng này. Hôm nay, chúng tôi vui mừng gia hạn Biên bản ghi nhớ với Cục Đầu tư nước ngoài của Việt Nam (hay FIA)”.

Từ đó, đại diện UOB nhận định, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho dòng vốn FDI vào Việt Nam, từ đó sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn.