VNG dừng chào bán hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ cho Công nghệ BigV

Admin

Trước đó tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2022, VNG dự kiến sẽ chào bán 7,1 triệu cổ phiếu với giá 177.881 đồng/cổ phiếu cho CTCP Công nghệ BigV để thu về 1.264 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần VNG (UPCoM: VNZ) vừa thông qua việc dừng chào bán 7,1 triệu cổ phiếu quỹ đã thông qua năm 2022 và thực hiện giảm vốn điều lệ.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2022, VNG đã xin ý kiến cổ đông việc chào bán 7,1 triệu cổ phiếu với giá 177.881 đồng/cổ phiếu để thu về 1.264 tỷ đồng cho CTCP Công nghệ BigV. Nếu giao dịch thành công, CTCP Công nghệ BigV sẽ nâng tỉ lệ sở hữu từ 5,7% lên 30,5% vốn điều lệ tại VNG.

Tuy nhiên, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, VNG cho biết do một số lý do khách quan, kế hoạch năm ngoái dù đã được thông qua nhưng chưa thực hiện nên không chào bán cổ phiếu quỹ cho CTCP Công nghệ BigV. Phía công ty đã cân nhắc kỹ lưỡng và đưa ra phương án mới chủ động trong năm 2023.

Bên cạnh đó, VNG cũng trình cổ đông kế hoạch giảm vốn điều lệ từ 358,4 tỷ đồng về 287,3 tỷ đồng (tương ứng hủy 7,1 triệu cổ phiếu quỹ) để xử lý cổ phần mua lại theo quyết định của công ty và tuân thủ pháp luật hiện hành.

Tại Đại hội, Ban lãnh đạo VNG cũng lên kế hoạch đem về 9.281 tỷ đồng doanh thu, tăng 17% so với báo cáo kiểm toán năm 2022 và lợi nhuận sau thuế âm 572 tỷ đồng, cải thiện hơn nhiều so với mức lỗ gần 1.534 tỷ đồng năm 2022.

Trong quý I/2023, doanh thu thuần của VNG đạt hơn 1.852 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do các chi phí gia tăng và các khoản lỗ đến từ công ty liên doanh, liên kết khiến VNG báo lỗ sau thuế hơn 90 tỷ đồng.

Đồng thời, VNG cũng trình ý kiến cổ đông về việc giữ lại nguồn tiền và không chia cổ tức năm 2022.

Nguyên nhân do công ty sẽ đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh chiến lược và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ như ví điện tử và cổng thanh toán, tài sản sở hữu trí tuệ đối với các trò chơi điện tử, phát triển dịch vụ đám mây, phát triển dịch vụ trí tuệ nhân tạo, xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm trong công ty để tối ưu hóa các nguồn lực.

Phía VNG cho biết, trong tương lai, công ty sẽ tiếp tục phát triển các ngành nghề kinh doanh theo hướng đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ và mở rộng thị trường.

Cụ thể, ngoài việc tiếp tục đầu tư vào các sản phẩm, dịch vụ thế mạnh như trò chơi điện tử, quảng cáo, dịch vụ media, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, ví điện tử, VNG sẽ tăng cường đầu tư vào các sản phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ mới khác nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và mang đến tiện ích hơn cho khách hàng và đối tác.