Vụ chuyến bay giải cứu: Vì sao một nữ chuyên viên được nhận "cảm ơn" tới 650 triệu đồng?

Admin

Theo cáo trạng Giai đoạn 2 vụ án "chuyến bay giải cứu", một nữ chuyên viên tại tỉnh Hải Dương được doanh nghiệp cảm ơn tới 650 triệu đồng.

Cả 2 cựu Phó Giám đốc Sở ở Quảng Nam nhúng chàm

Cáo trạng của VKSND tối cao về Giai đoạn 2 vụ án "chuyến bay giải cứu" thể hiện, nhằm thực hiện chủ trương đưa công dân về nước tránh dịch Covid-19, tại Quảng Nam, Sở Y tế được giao nhiệm vụ xem xét phương án nhập cảnh từng chuyến bay; Sở VH-TT&DL có nhiệm vụ đánh giá năng lực tổ chức đón đoàn.

Sở Y tế giao cho Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc và Sở VH-TT&DL giao cho Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động đón công dân hồi hương tại tỉnh Quảng Nam.

Cuối tháng 5/2021, Nguyễn Thị Thanh Hằng (bị can Giai đoạn 1 vụ án) đã liên hệ, đến phòng làm việc của 2 vị Phó Giám đốc để trao đổi về các công ty của Hằng đã được Văn phòng Chính phủ cấp phép thực hiện chuyến bay và nhờ hỗ trợ, tham mưu UBND tỉnh tiếp nhận công dân về cách ly.

Chuyến bay giải cứu: Vì sao một nữ Chuyên viên được nhận

Ông Nguyễn Văn Văn (ảnh trái) và Lê Ngọc Tường.

Từ tháng 5/2021 đến tháng 1/2022, Nguyễn Văn Văn và Lê Ngọc Tường đã phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Nam tiếp nhận công dân Việt Nam về trên 56 chuyến bay do Hằng thực hiện.

Nguyễn Thị Thanh Hằng đã đưa hối lộ 5 lần, tổng cộng 450 triệu đồng cho Nguyễn Văn Văn; đưa hối lộ 4 lần, tổng cộng 400 triệu đồng cho Lê Ngọc Tường. Những lần Hằng đưa đều là tiền mặt, tại nhà riêng, phòng làm việc hoặc quán ăn.

Từ Giai đoạn của 1 vụ án, Nguyễn Văn Văn và Lê Ngọc Tường đã nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận để khắc phục hậu quả.

Trong vụ án còn có 1 cựu Phó Giám đốc Sở khác là ông Trần Tùng – Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên bị cáo buộc nhận hối lộ tới 4,4 tỷ đồng.

Xem thêm: Vụ án Chuyến bay giải cứu: Hé lộ cuộc gặp gỡ bàn "ăn chênh" 6-8 triệu đồng mỗi khách

Nữ chuyên viên được "cảm ơn" 650 triệu đồng

Tại Hải Dương, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương được giao thực hiện nhiệm vụ tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước cách ly tránh dịch Covid-19.

Lê Thị Phượng là Chuyên viên Phòng Khoa giáo Văn xã (thuộc Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương) được phân công tiếp nhận hồ sơ, tham mưu, đề xuất lãnh đạo UBND tỉnh chấp thuận chủ trương để công ty, doanh nghiệp tổ chức đưa công dân về cách ly trên địa bàn.

Chuyến bay giải cứu: Vì sao một nữ Chuyên viên được nhận

Bên trong một "chuyến bay giải cứu".

Đầu tháng 6/2021, sau khi được Võ Thị Hồng (bị can Giai đoạn 1 vụ án) nhờ xin cấp phép tổ chức chuyến bay cho Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Du lịch Sora, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Quốc tế Biển Bạc, Bùi Huy Hoàng (bị can Giai đoạn 1) đã liên hệ với Lê Thị Phượng để nhờ Phượng xin công văn chấp thuận và nhận được sự đồng ý.

Theo đó, từ tháng 6/2021 đến cuối tháng 11/2021, Bùi Huy Hoàng đã 2 lần đưa tiền cho Lê Thị Phượng tổng cộng 650 triệu đồng để được giúp công ty của Võ Thị Hồng có văn bản chấp thuận của UBND tỉnh Hải Dương.

Vụ án chuyến bay giải cứu: Tiết lộ về "tổ tư vấn tại chỗ" giúp bạn thân chối tộiTiếp tục truy tố 17 bị can vụ "chuyến bay giải cứu"

Trong đó, một lần Phượng nhận 300 triệu đồng tiền mặt tại nhà riêng. Số tiền còn lại nhận tại phòng làm việc của Phượng để đề xuất UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận cách ly cho 425 công dân về nước trên 2 chuyến bay dự kiến tổ chức vào tháng 12/2021 và tháng 1/2022.

Tuy nhiên, do Hồng không tổ chức chuyến bay nên đề nghị Hoàng trả lại tiền chi phí xin công văn của UBND tỉnh Hải Dương. Vì vậy, Hoàng đề nghị Phượng trả lại tiền như thỏa thuận từ nhưng Phượng chỉ trả lại cho Hoàng 50 triệu đồng.

Số tiền này Hoàng nhờ em trai là Bùi Huy Hiếu đến gặp Phượng để nhận tiền sau đó chuyển lại cho Hoàng. Tại Giai đoạn 1 vụ án, Võ Thị Hồng đã bị tuyên phạt 3 năm tù về tội "Đưa hối lộ"; Bùi Huy Hoàng đã bị tuyên phạt 30 tháng tù giam về tội "Môi giới hối lộ".

Về phần Lê Thị Phượng, hiện đã nộp 600 triệu đồng khắc phục hậu quả.