Xử lý người kê khai tài sản không trung thực chưa tương xứng thực tế

Admin

Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vẫn còn những hạn chế; kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế.

Sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2023.

Về phòng, chống tham nhũng, báo cáo của Chính phủ nêu rõ, trong 10 tháng qua, có 23 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với số tiền 93 triệu đồng. Về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, từ 8/2/2022 đến ngày 30/4/2023, có hơn 13.000 người đã được xác minh tài sản, thu nhập. Trong đó, 54 người bị xử lý do không trung thực trong kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm. Những trường hợp này bị kỷ luật bằng các hình thức khác nhau.

Xử lý người kê khai tài sản không trung thực chưa tương xứng thực tế - Ảnh 1.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường.

Xử lý người kê khai tài sản không trung thực chưa tương xứng thực tế - Ảnh 2.

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí. (Ảnh: QH)

Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, Chính phủ cho biết, có 39 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. Trong đó, có 11 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đã bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 28 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường đánh giá, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vẫn còn những hạn chế; kết quả phát hiện, xử lý các trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế. “Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng còn có những vướng mắc, một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chậm ban hành văn bản quy định chi tiết theo quy định”, ông Cường cho hay.

Tại phiên họp, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí khẳng định, tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ “rất phức tạp”. Cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, các cơ quan tố tụng đã thụ lý, điều tra các vụ án có quy mô, tính chất phức tạp, chưa có tiền lệ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Điển hình như vụ án Vạn Thịnh Phát liên quan đến ngân hàng, chứng khoán, rồi thẩm định giá, công chứng, kể cả phát hành trái phiếu... Theo ông, các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra, công an, kiểm sát hút vào những vụ án lớn này rất mất sức và phải đảm bảo tiến độ để đưa ra truy tố, xét xử.

Về phòng, chống tội phạm, Ủy ban Tư pháp nhận định, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn một số bất cập, dẫn đến các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội. Trong đó, công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực như đăng kiểm phương tiện giao thông, đào tạo và sát hạch lái xe còn nhiều sơ hở. Nhiều đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, nhận hối lộ.

Đáng lưu ý, tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng hơn 71% về số vụ, tăng hơn 116% số đối tượng, đặc biệt số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng hơn 312%... Cơ quan thẩm tra cho rằng, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả kiểm soát quyền lực, kiểm soát hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.

Tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ “rất phức tạp”

Liên quan đến vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bà Nguyễn Phương Thuỷ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng, không dám làm, dẫn đến hiệu quả công việc còn thấp. Theo bà Thuỷ, thời gian tới, cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn trong công tác cán bộ, để đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện một cách đầy đủ, đúng pháp luật các nhiệm vụ được giao.

Tại phiên họp, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí khẳng định, tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ “rất phức tạp”. Cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, các cơ quan tố tụng đã thụ lý, điều tra các vụ án có quy mô, tính chất phức tạp, chưa có tiền lệ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Điển hình như vụ án Vạn Thịnh Phát liên quan đến ngân hàng, chứng khoán, rồi thẩm định giá, công chứng, kể cả phát hành trái phiếu... Theo ông, các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra, công an, kiểm sát hút vào những vụ án lớn này rất mất sức và phải đảm bảo tiến độ để đưa ra truy tố, xét xử.

Viện trưởng Lê Minh Trí tiếp tục dẫn chứng các vụ án như vụ Việt Á phải đưa ra xét xử, vụ AIC đã xét xử một số nơi và sẽ truy tố, xét xử tiếp. “Vụ chuyến bay giải cứu cũng đã xét xử, còn giai đoạn 2 có làm không, làm như thế nào cũng là vấn đề”, ông Trí nói, đồng thời cho biết, áp lực trong các vụ án gần đây rất lớn và quy mô, tính chất có nhiều vấn đề rất mới trong quá trình điều tra, chứng minh tội phạm.

Tại phiên họp, ông Lê Minh Trí hứa sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn để toàn ngành nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu được giao. “Với nhiệm vụ được phân công, tôi hứa sẽ làm hết trách nhiệm và sẽ làm tốt nhất có thể. Nhưng cũng có những việc nằm ngoài quyền hạn, cũng mong các đồng chí chia sẻ, hỗ trợ, để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung pháp luật cho phù hợp, hoặc hỗ trợ về chế độ, chính sách để làm việc”, ông Lê Minh Trí bày tỏ.