Xuất khẩu một loại cây gia vị quen thuộc, 6 tháng Việt Nam thu về gần 18 triệu USD

Admin

Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu ớt đạt kim ngạch gần 18 triệu USD, Trung Quốc là thị trường lớn, chiếm hơn 86% thị phần…

6 tháng xuất khẩu ớt thu về gần 18 triệu USD

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu ớt của Việt Nam trong tháng 6 đã thu về 1,8 triệu USD với 815 tấn, giảm 43% về lượng so với tháng 5. Lũy kế 6 tháng đầu năm nước ta xuất khẩu 7.326 tấn ớt với kim ngạch đạt 17,9 triệu USD, tăng 5,3% về lượng và tăng mạnh 31,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Trong năm 2023, xuất khẩu ớt đạt kim ngạch 20 triệu USD, tương ứng với 10.173 tấn, tăng mạnh 107% so với năm 2022.

Theo Công Thương, ớt là một loại quả quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. Người nông dân ví cây ớt là loại cây "một vốn mười lời" vì ớt có đặc điểm sinh trưởng ngắn ngày, có thể trồng xen với cây ăn quả và không đòi hỏi nhiều công chăm sóc nên phù hợp với điều kiện canh tác của người nông dân trên khắp cả nước. Thông thường, ớt sẽ được xuống giống cây vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Cây ớt sau 2 tháng trồng bắt đầu cho thu hoạch từ 3 đến 4 đợt trong khoảng 3 tháng, chất lượng quả cao nhất với trọng lượng lý tưởng có thể lên đến 4 kg mỗi cây.

Kể từ tháng 3/2022, ớt tươi của Việt Nam được chấp thuận xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo đó, các lô hàng ớt tươi đều phải được xử lý kiểm dịch bởi các đơn vị chức năng của Việt Nam hoặc do các đơn vị chức năng của Việt Nam ủy quyền, đồng thời phải chú thích rõ các tham số liên quan trong chứng thư kiểm dịch thực vật.

Đối với thị trường Trung Quốc, một trong những lý do mà Trung Quốc tăng cường nhập khẩu ớt Việt Nam là độ cay cao và đa dạng về chủng loại. Một số loại ớt xuất khẩu phải kể đến như: Ớt chỉ thiên, ớt hiểm, ớt sừng vàng, ớt ngọt, ớt chỉ địa.

Ngoài ra, sự chênh lệch mùa vụ cũng là điều giúp cho sản lượng xuất khẩu tăng cao. Tại Trung Quốc, mùa thu hoạch ớt chủ yếu diễn ra vào khoảng tháng 6 đến tháng 10 hàng năm.

Nói thêm về nguyên nhân Trung Quốc tăng thu mua ớt Việt Nam, ông Hà Anh Tuấn (đơn vị thu mua ớt xuất khẩu ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) chia sẻ với Tuổi Trẻ: "Ớt Việt có độ cay cao và có nhiều loại khác nhau. Chẳng hạn ớt chỉ thiên, ớt hiểm, ớt sừng vàng, ớt ngọt… đều rất cay.

Hơn nữa, do chênh lệch mùa vụ, như Trung Quốc có mùa thu hoạch ớt chủ yếu khoảng tháng 6 đến tháng 10 hằng năm.

Còn ở Việt Nam, ớt trồng thành 2 vụ nên có nhiều thời điểm thu hoạch từ tháng 4 đến đầu tháng 7 và thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 2".

Xuất khẩu một loại cây gia vị quen thuộc, 6 tháng Việt Nam thu về gần 18 triệu USD- Ảnh 1.

Xuất khẩu ớt thu về gần 18 triệu USD, tăng 31,7%. Ảnh: TTXVN.

Trước đó, từ tháng 3/2022 ớt tươi của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Các lô hàng ớt tươi đều phải được xử lý kiểm dịch và chú thích rõ các tham số liên quan trong chứng thư kiểm dịch thực vật.

Tại Việt Nam, ớt thường được trồng thành 2 vụ nên có nhiều thời điểm thu hoạch từ tháng 4 đến đầu tháng 7 và thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 2. Ớt được trồng rải rác ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Đồng bằng sông Cửu Long được xem là thủ phủ ớt của Việt Nam khi ớt được trồng nhiều nhất tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long và Trà Vinh với tổng diện tích trên 7.000 ha, sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm.

Ớt được ví là cây "một vốn mười lời"

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo đại diện VPA cho biết ớt được ví là cây "một vốn mười lời" vì là giống cây ngắn ngày.

"Chỉ 2 tháng sau khi xuống giống là ớt có thể thu hoạch. Mỗi một đợt trồng có từ 3 đến 4 đợt thu hoạch, trong khoảng 3 tháng. Nếu mọi thứ thuận lợi như đất đai, thời tiết, chăm trồng bài bản thì mỗi cây ớt có thể cho 4kg/cây. Vì thế ớt Việt Nam có nhiều thuận lợi khi bán ra thị trường", vị này thông tin.

Trung bình mỗi sào trồng ớt sẽ cho thu hoạch trên 1 tấn quả một năm. Với giá bán 8.000-12.000 đồng một kg, nông dân sẽ thu 8-15 triệu đồng mỗi sào, còn với mức giá 30.000-40.000 đồng, người dân có doanh thu 30-50 triệu đồng.

Vị thế ớt của Việt Nam

Trên thế giới, Ấn Độ là nước sản xuất và xuất khẩu ớt khô hàng đầu thế giới, tiếp theo là Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia.

Ấn Độ cũng là nhà sản xuất và tiêu thụ ớt hàng đầu thế giới với khoảng 36% sản lượng toàn cầu, xuất khẩu khoảng 30% tổng sản lượng.

Theo VPA, ớt Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc dẫn đầu với 6.338 tấn, chiếm gần 87%, Lào đứng thứ 2 với sản lượng đạt 669 tấn, chiếm 9,1%. Mỹ là thị trường đứng thứ 3 với 124 tấn, tương đương 1,7%.

Trúc Chi (t/h)