Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu xăng dầu các loại của Việt Nam trong tháng 6 đạt 211.060 tấn, tương ứng với kim ngạch hơn 142 triệu USD, tăng 9% về lượng nhưng giảm 7,8% so với tháng trước đó. Tính chung trong nửa đầu năm, xuất khẩu xăng dầu các loại của nước ta đạt hơn 1,1 triệu tấn với trị giá đạt hơn 936 triệu USD, tăng 6,6% về lượng tuy nhiên giảm 8,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, trong số các thị trường, xuất khẩu mặt hàng xăng dầu với Nga đang tăng mạnh trong những tháng gần đây. Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu xăng dầu các loại sang Nga trong tháng 6 đạt 1.275 tấn và đạt hơn 1,1 triệu USD, tăng mạnh 1.721% về lượng và tăng 1.428% về trị giá so với tháng 6/2022.
Tính chung trong nửa đầu năm, xuất khẩu xăng dầu các loại sang Nga đạt 1.942 tấn với kim ngạch đạt 1,8 triệu USD, tăng 154% về lượng và tăng 135% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên dù sở hữu mức tăng mạnh nhưng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu sang Nga chiếm chưa đến 1% tỷ trọng trong tổng số các thị trường.
Đáng nói, dầu thô và nhiên liệu là một trong những mặt hàng chiến lược của Nga. Xét riêng dầu thô, sản lượng dầu của Nga đứng thứ 3 thế giới chỉ sau Mỹ và Saudi Arabia với hơn 11 triệu thùng/ngày. Lượng xuất khẩu của quốc gia này cũng đạt hơn 5,1 triệu thùng/ngày.
Sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra, dầu thô là một trong những mặt hàng đầu tiên rơi vào tầm ngắm trừng phạt. Kể từ tháng 12/2022, lệnh cấm vận dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển đã chính thức được thực thi kèm theo mức giá trần do các quốc gia G7 đưa ra. Bởi vậy, Nga đã phải chào giá bán dầu với mức chiết khấu lớn so với giá dầu Brent - giá tiêu chuẩn của thị trường dầu toàn cầu - để thu hút khách mua.
Đối với các loại nhiên liệu, ngày 5/2, Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu cấm nhập khẩu các nhiên liệu tinh chế của Nga như dầu diesel, dầu hỏa và dầu mazut trong nỗ lực hạn chế các nguồn thu chính của Moscow.
Cho đến nay, hầu hết các nước châu Âu đã ngừng mua nhiên liệu của Nga kể từ tháng 2 vừa qua, sau khi EU và G7 đưa ra mức giá trần và áp đặt lệnh cấm đối với các sản phẩm xăng dầu của Nga. Do đó, Nga buộc phải chuyển hướng phần lớn xuất khẩu nhiên liệu của mình sang các thị trường thay thế. Trong khi Pháp, Đức, Anh, Hà Lan, Bỉ và Ba Lan là những nhà nhập khẩu dầu diesel lớn nhất của Nga trong nửa đầu năm 2022, thì điều này đã thay đổi kể từ năm 2023.
Theo Bloomberg, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành khách hàng mua dầu diesel lớn nhất của Nga, tăng thị phần trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6/2023 lên 30% so với mức 8% trong cùng kỳ năm ngoái. Saudi Arabia và Brazil hiện chiếm 11% kim ngạch xuất khẩu, tiếp theo là Maroc, Tunisia, Ai Cập, Libya, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Ghana.