Xuất khẩu rau quả vượt 3,2 tỷ USD

Admin

Chưa đầy 7 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành rau quả đã vượt mốc 3,2 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng kỷ lục ngành rau quả đạt được từ trước đến nay.

Theo dự báo ngành rau quả sẽ tiếp tục tăng mạnh, vì thị trường xuất khẩu đang khởi sắc. Nếu giữ vững tốc độ như hiện tại, thì kim ngạch xuất khẩu rau quả khả năng cao sẽ đạt 5 tỷ USD trong năm nay, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra.

Mỗi ngày, doanh nghiệp thu mua, chế biến khoảng 80 tấn rau quả. So với cùng kỳ năm trước, dù đã tăng công suất, nhưng đơn vị vẫn đặt mục tiêu nhiều hơn nữa nhằm tận dụng tối đa cơ hội tốt từ thị trường xuất khẩu ở 2 quý cuối năm.

"Có 2 sản phẩm chủ lực là đậu nành rau và bắp non. Chúng tôi tăng sản lượng trên 50%. Quý III, thị trường có nhiều khả quan, chúng tôi đang đẩy nhanh doanh số bán hàng dự kiến sẽ tăng 30 - 40% so với cùng kỳ), ông Nguyễn Huy Cường, Phó Tổng Giám đốc Antesco, chia sẻ.

Thị trường khởi sắc mở ra cơ hội tốt để xuất khẩu rau quả tăng tốc. Việc đầu tư nâng cao chất lượng, truy xuất từ vùng nguyên liệu tới nhà máy chế biến, nên sản phẩm rau quả nước ta dễ dàng chinh phục được các kênh tiêu thụ hiện đại. Điển hình, lô chuối tươi tại đây đang được các siêu thị lớn ở châu Á ký hợp đồng xuất khẩu quanh năm.

Xuất khẩu rau quả vượt 3,2 tỷ USD - Ảnh 1.

Sơ chế, đóng gói sản phẩm chuối xanh xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

"Ứng dụng công nghệ hun trùng hữu cơ, không dùng bất kỳ loại thuốc nào. 100% hữu cơ để đảm bảo nâng cao chất lượng sản phẩm để phù hợp với thị trường khó tính nhất. Đối tác Nhật Bản qua kiểm tra tới 6 tháng sản phẩm của chúng tôi mới đưa lên hệ thống siêu thị của họ", ông Phùng Văn Sâm, Chủ tịch HĐQT Hanfimex Group, cho biết.

Theo các doanh nghiệp rau quả, nhiều khả năng xuất khẩu toàn ngành sớm vượt mốc 4 tỷ USD. Bởi nhu cầu tiêu thụ các hầu hết các thị trường đang tăng mạnh, đặc biệt rau quả Việt Nam được tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm, nên giá trị xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng cao.

Thúc đẩy tiêu thụ rau quả thị trường nội địa

Cơ hội thị trường đang khá rộng mở. Theo Hiệp Hội rau quả Việt Nam, hiện các nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc có hiệu lực cùng các Hiệp định thương mại tự do với nhiều nước đang triển khai giúp tạo ra nhiều cơ hội cho ngành rau quả nước ta bứt phá. Chính thị trường nội địa cũng là thị trường tiềm năng với ngành rau quả. Thời gian qua, các chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau quả an toàn được hình thành và phát huy hiệu quả.

Vườn rau của anh Tú sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt. Nếu như trước đây, anh Tú phải phụ thuộc vào phân thuốc hóa học, thì nay, cách làm truyền thống đó đã dần được thay thế.

"Mình bắt sâu, nhổ cỏ, chứ mình không dùng thuốc sâu như trước để cho bà con ăn an toàn", anh Lê Văn Tú, xã Khánh Hòa, Châu Phú, An Giang, chia sẻ.

"Thực tế hiện nay, những vùng đã chuyển đổi, thu nhập của bà con tăng lên gấp 2 - 5 lần so với diện tích trồng lúa", ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, cho hay.

Ở quy mô lớn hơn, những trang trại rau quả hữu cơ đã được hình thành. Tại đây, mỗi công đoạn được chăm sóc kỹ lưỡng, công nghệ cũng làm thay con người.

Sản phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, đó là tiêu chí chị Hương (thị trấn Cái Dầu, Châu Phú, An Giang) tìm mua. Mặc dù, giá rau quả tại đây có cao hơn bên ngoài từ 10-20%.

"Rau ở siêu thị có tem nhãn, không sử dụng phân thuốc trừ sâu nhiều nên mình an tâm mua về ăn, đảm bảo sức khỏe gia đình", chị Trần Thị Thanh Hương, thị trấn Cái Dầu, Châu Phú, An Giang, chia sẻ.

Hiện nguồn cung rau, quả sạch, hữu cơ vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra hơn 2 tỷ USD để nhập khẩu rau quả. Nếu nhìn tích cực thì đây là cơ hội để nông dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm khai thác tốt tiềm năng và dư địa từ thị trường nội địa.

Tiềm năng thị trường là rất lớn. Trong thời gian tới, với sự gia tăng khoa học công nghệ, ứng phó biến đổi khí hậu, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, cho ra sản phẩm sạch, nâng cao sản lượng, ngành nông nghiệp hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu lương thực trong nước và xuất khẩu.